Một gian hàng ẩm thực tiêu chuẩn 5 sao. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN |
Lễ hội diễn ra từ 25 – 29/4 với khoảng 200 gian hàng, trong đó có hơn 100 gian hàng bánh dân gian và ẩm thực truyền thống.
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, qua 7 lần tổ chức, lễ hội bánh dân gian Nam Bộ đã trở thành một nét đặc trưng của thành phố Cần Thơ, là điểm nhấn văn hóa ẩm thực của vùng, vừa mang nét truyền thống dân gian vừa mang tính hiện đại. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, văn hóa Nam bộ; giới thiệu các loại bánh đặc trưng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của người dân Nam Bộ, từng bước xây dựng thành thương hiệu quốc gia.
Ngoài Cần Thơ, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần này còn có sự tham gia của 20 tỉnh, thành trong cả nước và 7 quốc gia gồm Pháp, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Ý, Indonesia và Malaysia.
Đến với lễ hội, ngoài thưởng thức các loại bánh dân gian truyền thống của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm ở vùng đất Nam Bộ, du khách còn được xem trình diễn nhiều loại bánh dân gian, tái hiện lại không gian xưa với các dụng cụ do các nghệ nhân trực tiếp thực hiện như: xay bột, quết bánh phồng, giã cốm dẹp, gõ bánh in, se bánh tằm bằng tay…
Chuỗi sự kiện “Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2018” được bắt đầu bằng lễ dâng bánh tại đình thần Tân An (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) vào sáng 25/4 do Ban Tổ chức các ngày lễ lớn thành phố Cần Thơ tiến hành. Ông Nhâm Hùng, Tổng đạo diễn chương trình lễ hội cho biết: Lễ dâng bánh với mâm lễ là các loại bánh dân gian đặc trưng của các dân tộc sinh sống tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cần Thơ nói riêng mang ý nghĩa tâm linh, báo cáo, xin phép tổ tiên, thần hoàng, cầu mong lễ hội diễn ra suôn sẻ, góp thêm điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ.
Theo ông Nhâm Hùng, đây là lễ hội không chỉ mang giá trị văn hóa và tinh thần khi góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, đặc sản bánh dân gian Nam Bộ, mà còn là dịp để các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng giao lưu, hợp tác, quảng bá đến đông đảo người dân trong và ngoài nước. Thông qua các hoạt động này sẽ làm nổi bật tiềm năng, thế mạnh của văn hóa ẩm thực và du lịch Nam Bộ.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động phong phú khác như Hội thi bánh dân gian Nam bộ, thi trò chơi dân gian, thi hát về ẩm thực... Ban Tổ chức còn tái hiện “Con đường bánh dân gian Nam bộ”, gian hàng “Buffet bánh dân gian Nam bộ”, không gian “chợ nổi trên cạn”… Bên cạnh đó, có 32 nghệ nhân đến từ 9 quận, huyện của thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dự thi 42 loại bánh và trình diễn 37 loại bánh phục vụ du khách.
Ngoài ra, Hội thảo “Công nghệ bảo quản và bao bì đóng gói bánh dân gian” sẽ diễn ra vào ngày 26/4. Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, bánh dân gian thường gặp khó khăn ở khâu đóng gói, bảo quản sản phẩm, bao bì, nhãn mác. Do vậy, bánh dân gian Nam bộ phần nhiều không thể bảo quản được lâu, điều kiện vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo nên chưa tiếp cận được thị trường tiêu dùng, nhất là xuất khẩu. Ngoài ra, sức ép cạnh tranh trên thị trường từ các loại thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh không hề nhỏ. Các vấn đề như giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu: mẫu mã, bao bì, hạn sử dụng lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng, để bánh dân gian Nam bộ trở thành sản phẩm được sử dụng hằng ngày, không phải chỉ được dùng trong dịp lễ, Tết như trước nay sẽ là những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại hội thảo.