Tình yêu Hà Nội của báo Thể thao & Văn hoá ngót nghét tuổi lên 10

Triển lãm ảnh "10 năm - Vì Tình yêu Hà Nội" diễn ra từ tối 11/8 đến hết ngày 13/8, tại tiền sảnh của Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm, thuộc Phố đi bộ Hồ Gươm, do báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức, Công ty Hữu nghị Á Châu và Công ty cổ phần Du lịch Việt Namm- Hà Nội phối hợp thực hiện; nhân dịp kỷ niệm 10 năm Giải thưởng "Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội" (2008 – 2017).

Triển lãm trưng bày 50 bức ảnh là sáng tác hoặc sưu tầm của 5 tác giả từng được đề cử hoặc đoạt giải thưởng trong 10 năm qua.


Đó là: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, Quang Phùng, Nguyễn Hữu Bảo, nhiếp ảnh gia Hà Lan Loes Herrink, và nhà dân tộc học Đinh Trọng Hiếu, người đã cùng với nhà sử học Pháp Emmanuel Poisson có công sưu tầm, triển lãm ảnh "Hà Nội sắc màu 1914 – 1917".

Cầu Thê Húc trong sương sớm. Ảnh: Lê Vượng.

"Cho đến năm nay, Giải thưởng "Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội" đã tôn vinh 8 nhân vật bằng Giải thưởng Lớn, cùng khoảng 30 giải tác phẩm, ý tưởng, việc làm, và hơn 50 đề cử khác nhau... 10 năm là một hành trình khá dài trong cuộc sống của mỗi người, vì thế không dễ dàng gì để kết nối lại, nhất là khi Giải thưởng Bùi Xuân Phái sẵn sàng vinh danh những vị khách, có thể chỉ vô tình lướt qua Hà Nội, nhưng đã kịp "yêu" thành phố này và để lại những tác phẩm, ý tưởng, việc làm đầy ý nghĩa, khiến chúng ta phải ngỡ ngàng, khâm phục và thêm yêu thành phố của mình", đại diện báo Thể thao & Văn hoá cho biết.

Hàng rong chụp từ trên cao. Ảnh: Leos Heerink.

Tất cả những cuộc kết nối đó không chỉ thành công  với việc BTC đạt được mục đích là có ảnh để làm triển lãm;  mà còn khơi dậy những ký ức, những tình cảm hết sức đẹp đẽ về Hà Nội, làm bùng cháy những dự định cống hiến cho Hà Nội vẫn đang ấp ủ.

Hồ Hoàn Kiếm xưa. Ảnh từ Bảo tàng Albert Kahn, do Đinh Trọng Hiếu và Poisson sưu tầm.

GS Đinh Trọng Hiếu không chỉ gửi cho BTC những bức ảnh được ông và Poision sưu tầm, chú dẫn; mà còn trân trọng gửi gắm 2 bức ảnh do chính ông chụp bên Hồ Gươm năm 1979: Bức "Đánh đáo" và bức "Nắng chiều".Trong ảnh, cCậu bé đội mũ cối cởi trần, chân trần cười tươi, còn xung quanh là những nụ cười hồn nhiên, những đôi dép lốp... Tất cả diễn ra bên bờ Hồ đã cho thấy một Hà Nội bình dị, hồn hậu và bình yên đến chừng nào giữa những năm tháng hào hùng đó. 


Hai bức ảnh đó chắc chắn đã khơi gợi những ký ức không thể nào quên của ông về Hà Nội trong đêm ở Pháp, khi ông cẩn thận gửi chúng tôi cả bản chụp tờ giấy giới thiệu của Ủy ban Khoa học Xã hội cho ông đi chụp ảnh và ghi âm những gánh hàng rong cách đây gần 40 năm.

Phố Lương Ngọc Quyến. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo.

Ông kể: "Tôi trở về Hà Nội vào mùa hè 1979, trong khuôn khổ trao đổi hợp tác giữa Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Paris 7. Đúng lúc đang còn chiến tranh biên giới và khi đất nước đang biết bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn. Lúc này, chụp một bức ảnh ở chợ, ở ngoài đường cũng cần có giấy phép. Rất may khi ấy Ủy ban Khoa học Xã hội, đặc biệt là Giáo sư Phạm Huy Thông, đã viết giấy giới thiệu, nên không gặp khó khăn gì. Những hình ảnh chụp được, tôi cũng ít khi công bố, với thời gian ngót nghét 40 năm, chúng trở thành tư liệu so sánh rất tốt. Tôi chỉ trích ra 2 bức ảnh, một chụp cảnh hai thiếu niên đang đánh đáo ở bờ Hồ, và một ảnh khác chụp vợ người bạn đang bế con dưới nắng chiều, cũng ở ngay Hồ Gươm. Những hình trên, xin trân trọng gửi tới báo Thể thao & Văn hóa để làm một cuộc “triển lãm hoài cổ”, mà tôi hoan nghênh. “Hoài cổ”: năm cũng đã có thể là “cổ” rồi đấy nhỉ!".

Xe đạp hàng rong. Ảnh: Quang Phùng.

Từ Hà Lan, nữ nhiếp ảnh gia Loes Herrink hào hứng với việc tham gia triển lãm và gửi về hơn chục bức ảnh hàng rong với dung lượng lên tới 1,5GB. Cô chia sẻ: "Lần đầu đến Việt Nam tôi đã bị thu hút bởi những người bán hàng rong với chiếc xe đạp đầy màu sắc của họ. Ở Hà Lan chúng tôi sử dụng xe đạp rất nhiều nhưng chưa bao giờ chở nhiều thứ như vậy trên một chiếc xe duy nhất. Tôi thích cái cách họ “tô màu” cho thành phố này, và đối với tôi đó là chất liệu đẹp nhất của Hà Nội.



Với bộ ảnh này, tôi muốn giới thiệu đến mọi người về vẻ đẹp, sự cân đối và màu sắc của các gánh hàng rong Việt Nam. Bởi chính họ là những người đang hằng ngày kiến tạo nên các mảnh ghép đầy tính nghệ thuật cho thành phố.



Người bán hàng rong phải làm việc vất vả và vì thế họ sở hữu những câu chuyện truyền cảm hứng tốt. Họ không được gặp người thân nhiều, xe đạp thì nặng mà còn phải đi bộ nhiều cây số mỗi ngày. Tôi đã nói chuyện với một vài người phụ nữ sau khi chụp ảnh, họ để lại cho tôi ấn tượng về sự tốt bụng, đầy cảm hứng. Họ thật đẹp, và việc có cơ hội được tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời họ khiến tôi thấy rất vui và cảm kích".


Còn NSNA Quang Phùng như khỏe hẳn ra khi lục tìm và tuyển chọn những bức ảnh độc đáo về Hà Nội. Ông cũng chọn chủ đề gánh hàng rong. Những bức ảnh tưởng như hết sức đơn giản, đời thường, nhưng với một "ma xó" Hà Nội như ông, thì lại chuyển tải một thông điệp thú vị.


Đó là trong những chiếc xe đạp rong chở hoa, quả phục vụ cuộc sống người Hà Nội hôm nay, dường như còn có cả... những chiếc xe thồ Điện Biên hơn 50 năm trước. Một sự "hồi sinh" của chiếc xe đạp giữa lấm láp đời thường sau nửa thế kỷ. Nguồn gốc của những chiếc xe này, ông hứa rằng, sẽ "tiết lộ" tại buổi khai mạc triển lãm...


10 năm Giải thưởng "Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội" đã kết nối biết bao nhiêu những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm vì Hà Nội, cho Hà Nội. Tình yêu Hà Nội là động lực, là mục tiêu để những con người đó sống và làm việc. Một triển lãm không thể chuyển tải hết được những tình yêu đó đến đông đảo công chúng, nhưng chính khâu chuẩn bị và tổ chức triển lãm này cũng mang một ý nghĩa nho nhỏ khi "đánh thức" và "kết nối" được những con người đang ở rất xa nhau và dường như chẳng có mối liên hệ gì với nhau, nếu không có cùng "Tình yêu Hà Nội".


Và triển lãm chính là một sự tri ân của BTC Giải "Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội" tới họ và tới tất cả các chủ nhân của những đề cử, những giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội trong 10 năm.


Lễ trao giải và các hoạt động kỷ niệm 10 năm

-Giải thưởng Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái sáng lập từ năm 2008 nhằm tôn vinh những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm thấm đượm "tình yêu Hà Nội". Giải thưởng gồm 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn – Vì Tình yêu Hà Nội và 3 giải đồng hạng là Giải Tác phẩm – Vì Tình yêu Hà Nội, Giải Ý tưởng – Vì Tình yêu Hà Nội, Giải Việc làm - Vì Tình yêu Hà Nội.


Nhân dịp kỷ niệm 10 năm giải thưởng, sẽ có các hoạt động như:


- Triển lãm 10 năm – Vì Tình yêu Hà Nội tại Phố đi bộ Hồ Gươm (từ 11 – 13/8), và tại sảnh của Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội (từ 17/8 đến 20/8).


- Lễ trao giải Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội lần thứ 10 – 2017 và kỷ niệm 10 năm Giải thưởng sẽ diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội từ 9h30 ngày 17/8.

- Đêm nhạc Tình yêu Hà Nội phố do báo Thể thao & Văn hóa phối hợp với Công ty Hữu Nghị Á Châu tổ chức sẽ diễn ra vào 20h ngày 26/8/2017 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô Hà Nội với sự tham gia của các nghệ sĩ: Thanh Lam, Tùng Dương, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tấn Minh, saxophone Hồng Kiên, ban nhạc Anh Em...


PT/ Báo Tin Tức
Lại “đến hẹn” với giải thưởng Bùi Xuân Phái
Lại “đến hẹn” với giải thưởng Bùi Xuân Phái

Ngày 23/9, giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, do Quỹ Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phát động, sẽ chính thức được trao cho những đề cử xứng đáng. Lại thêm một năm để làm dầy thêm danh sách những tình yêu Hà Nội, những sự tận tâm với Thủ đô được vinh danh trong giải thưởng có uy tín rất lớn này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN