Cao Bằng chuyển hướng 'hút' khách nội địa, xây dựng điểm đến thân thiện, hấp dẫn

Tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh các giải pháp kích cầu du lịch tập trung vào thị trường nội địa, nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn. 

Với định hướng, chính sách đúng đắn, ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng đã có những bước phát triển khá ấn tượng trong 2 năm qua. Tuy nhiên, năm nay, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới ngành Du lịch tỉnh. Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp kích cầu du lịch tập trung vào thị trường nội địa, nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng Cao Bằng là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn. 

Chú thích ảnh
Du khách thích thú khám phá kho thóc của người Dao Tiền ở xóm Hoài Khao. 

Theo thống kê, đến tháng 5/2020, lượng khách đến Cao Bằng đã giảm 73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế giảm 97%, khách nội địa giảm 70%. Tổng doanh thu từ du lịch giảm 95% so với cùng kỳ. Đây là mức sụt giảm về du lịch lớn nhất trong những năm qua của tỉnh.
 
Sau khi Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội phòng, chống dịch, Cao Bằng đã mở cửa các khu, điểm tham quan đón khách trở lại. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch đảm bảo điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Sở yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn và khuyến cáo du khách biện pháp phòng chống dịch; lập danh sách, kiểm soát tình hình sức khỏe, lịch sử di chuyển của của du khách... 

Sở đã xây dựng các điểm đến an toàn, sát với 5 tiêu chí của Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề ra trong bộ “Tiêu chí Du lịch an toàn với dịch COVID-19”. Sở phối hợp với doanh nghiệp du lịch và các cấp chính quyền tích cực triển khai đồng bộ biện pháp phòng, chống dịch tạo một hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ có chất lượng tốt, an toàn. 

Chú thích ảnh
Người dân Hoài Khao vẫn giữ được những sàn gỗ dựng giữa đồng dùng làm nơi thực hiện nghi lễ cấp sắc cho những công dân mới trưởng thành. 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng đã chỉ đạo khai thác, kích cầu thị trường nội địa. Các đơn vị lữ hành chủ động khảo sát, kết nối tour du lịch trong nước, chuẩn bị kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, các đơn vị tích cực tham gia liên minh kích cầu du lịch, tìm kiếm và xây dựng sản phẩm mới, chăm sóc khách hàng, bán tour online, chào bán các sản phẩm du lịch nội địa. Những tour ngắn ngày với nhóm khách hạn chế để khởi động thị trường du lịch, tiến tới mở rộng thị trường qua những chương trình kích cầu hấp dẫn khác cũng được nhiều đơn vị chú trọng. Các khu, điểm du lịch triển khai nhiều hoạt động thu hút du khách nội địa như giảm giá vé, giảm tiền phòng, khuyến mãi các dịch vụ... 

Ông Phạm Hải Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hải Vân Xanh, Hà Nội cho biết: Hiện nay, cả nước đều hướng tới kích cầu du lịch nội địa. Các tỉnh miền Trung, miền Nam đều muốn kết nối các tour ra miền Bắc và ngược lại. Tour kết nối miền Nam, miền Trung với các tỉnh Đông Bắc hiện nay rất thuận tiện bởi giá vé máy bay từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… tới Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh rất rẻ. Nếu kết nối tốt, các đơn vị có thể xây dựng tour từ Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên rồi lại về Hà Nội - Quảng Ninh. Trong tuyến đó, Cao Bằng là điểm đến quan trọng của các tỉnh vùng Đông Bắc. Tỉnh có thể nâng cấp, xây dựng được nhiều sản phẩm mới để thu hút du khách trong nước.

Chú thích ảnh
Người dân xóm Hoài Khao có tục cấm phá tổ ong lấy mật nên vẫn giữ được một hang núi có hàng trăm đàn ong làm tổ. Những tổ ong khoái to cỡ như tấm chiếu với hàng triệu con ong bám vào tạo nên một cảnh tượng kỳ vỹ hiếm thấy. 

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Sầm Việt An cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh xúc tiến mời gọi đầu tư hạ tầng cơ sở, kết nối giao thông các điểm du lịch thuận tiện hơn; xây dựng cơ sở lưu trú tại các huyện có điểm du lịch, khách sạn 5 sao tại trung tâm thành phố. Sở tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho người dân phát triển du lịch cộng đồng; kết nối tuyến du lịch thứ 4 Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Chương trình xúc tiến hợp tác với Trung Quốc khai thác du lịch thắng cảnh thác Bản Giốc (Trùng Khánh)… để tạo sản phẩm du lịch mới được quan tâm. Các cấp ngành, đơn vị, hộ làm dịch vụ du lịch thực hiện tốt nhiệm vụ vừa bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, du khách, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Chú thích ảnh
Người dân Hoài Khao có cuộc sống gần gũi thiên nhiên và được thiên nhiên ban tặng nhiều món quà quý giá. Chè dây là một trong những món quà quý đó. Chè dây được hái từ rừng, phơi khô, pha nước uống rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là những người bị bệnh dạ dày. 

Sau thời gian nghỉ phòng dịch, hiện nay, các địa phương có khu, điểm du lịch ở Cao Bằng cơ bản đã cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để đón tiếp, hướng dẫn, phục vụ du khách. Lượng khách du lịch trong nước đến Cao Bằng đang có dấu hiệu phục hồi.

Tin, ảnh: Quốc Đạt (TTXVN)
Ninh Bình bàn giải pháp kích cầu du lịch
Ninh Bình bàn giải pháp kích cầu du lịch

Ngày 22/6, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị bàn giải pháp xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch với sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cùng 40 doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN