Khai thác điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô

Tỉnh Phú Thọ sẽ đẩy mạnh quảng bá, xây dựng các chương trình du lịch đến điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô (Việt Trì, Phú Thọ) giới thiệu những nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc.

Tạo điểm nhấn mới

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ) cho biết: Cuối tháng 9/2021, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 2406/QĐ-UBND công nhận Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây sẽ là cơ hội để triển khai xây dựng sản phẩm du lịch mới, đồng thời quảng bá, xúc tiến thu hút khách.

Chú thích ảnh
Tỉnh Phú Thọ cho ra mắt sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” gắn với các tour du lịch hàng ngày. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Theo quyết định, UBND xã Hùng Lô có trách nhiệm thực hiện việc tổ chức quản lý, tổ chức hoạt động du lịch văn hóa tại Điểm du lịch đảm bảo quy định và hiệu quả.

Xã Hùng Lô nằm bên bờ sông Lô thơ mộng, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 5km. Trải qua quá trình định cư lâu dài, các thế hệ người dân Hùng Lô đã từng bước xây dựng nên hệ thống những công trình văn hóa, tín ngưỡng, có sức sống lâu bền và lan tỏa; điển hình là khu di tích lịch sử văn hoá Đình Xốm - Đình Hùng Lô (thuộc quần thể di tích lịch sử văn hoá Đền Hùng). Đình Hùng Lô hiện vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá, trong đó tiêu biểu là 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng và những khí tự lễ hội có niên đại cách ngày nay hơn 300 năm. Hơn thế, Hùng Lô còn là làng nổi tiếng về truyền thống trong lễ hội rước kiệu từ xưa đến nay. Thời phong kiến, nhiều năm làng Hùng Lô liên tục giành giải nhất. Và Năm Mậu Ngọ - 1918, làng Hùng Lô đã được thưởng “Kỷ niệm Hùng Vương đệ nhất hội” và hiện biển thưởng này vẫn đang được lưu giữ trong đình.

Theo Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ, hiện nay trên địa bàn xã Hùng Lô có khoảng 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại khoảng từ 100 năm tuổi trở lên, các ngôi nhà đều lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đa dạng với những kiến trúc độc đáo mang đậm kiến trúc của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, cùng với cảnh quan ven sông, đời sống sinh hoạt chợ quê, hoạt động làng nghề… là những điều kiện thuận lợi phát triển sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trải nghiệm.

Xác định tiềm năng lợi thế đó, trong thời gian qua, thực hiện Đề án số 18/ĐA-UBND ngày 6/8/2018 về phát triển du lịch thành phố Việt Trì giai đoạn 2018 - 2025, UBND xã Hùng Lô đã tập chung chỉ đạo, thực hiện kịp thời nhiệm vụ trọng tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, khai thác phục vụ phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đó là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “ Hát Xoan Phú Thọ”.

“Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô bắt đầu đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế từ năm 2015. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô đã tiếp đón 718 đoàn khách trong nước với 22.543 lượt khách, 130 đoàn khách quốc tế với 2.488 lượt khách” ông Hòa cho biết.

Cơ hội thu hút khách

“Thông thường, khách đến đền Hùng sẽ đến xã Hùng Lô để trải nghiệm không gian văn hóa của cư dân người Việt. Nhất là khi đến đây, du khách sẽ trải nghiệm trình diễn hát Xoan trong không gian tại đình Hùng Lô mang cảm giác không gian văn hóa đặc trưng. Hiện nay, Trung tâm cũng đang xây dựng kế hoạch, khảo sát, hỗ trợ 2 hộ gia đình xây dựng mô hình đón khách du lịch cộng đồng và hy vọng sẽ có thể triển khai vào đầu sang năm”, ông Nguyễn Đức Hòa chia sẻ.

Chú thích ảnh
Hát Xoan được truyền dạy cho lớp trẻ. Ảnh: TTXVN

Còn ông Lương Duy Doanh, Trưởng Ban Truyền thông CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết: Từ năm 2014-2015, CLB đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch Phú Thọ tiến hành kết nối, khảo sát, đóng góp ý kiến về tổ chức hát xoan phục vụ khách du lịch theo từng nhóm đối tượng. Với những khách phương tây hoặc nghiên cứu thì tổ chức phương thức truyền thống; còn với khách du lịch nội địa mang tính phong trào thì nên cải biên, giao lưu với khách.

Cũng trong thời gian này, liên minh 8 tỉnh vùng Tây Bắc cũng đã tiến hành khảo sát liên kết để đưa khách từ Phú Thọ lên Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái… “Với khách đi tour trải nghiệm 2 ngày/1 đêm thì đa phần lựa chọn điểm đến du lịch xã Hùng Lô, nhất là khách phương Nam. Bới sau khi đi đến đền Hùng, nhiều khách muốn trải nghiệm thực không gian văn hóa du lịch cộng đồng làng dân cổ truyền thông Trung du Bắc Bộ”, anh Lại Văn Quân , một hướng dẫn viên cho biết.

Việc công nhận Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô là cơ hội để địa phương thu hút các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, với những tài nguyên du lịch sẵn có, xã tập trung phát triển các loại hình du lịch: Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm nông nghiệp và du lịch các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các di tích, danh thắng phục vụ phát triển du lịch, góp phần tạo ra giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội, tăng thêm niềm tự hào, tình yêu quê hương của người dân xã Hùng Lô.

XM/Báo Tin tức
'Nhất nghệ tinh’ trước ngưỡng cửa 4.0 - Bài cuối: Đem lại khả năng thích ứng
'Nhất nghệ tinh’ trước ngưỡng cửa 4.0 - Bài cuối: Đem lại khả năng thích ứng

Đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động lớn đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đòi hòi sự chuyển mình để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực. Nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10), phóng viên báo Tin tức đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xung quanh chủ đề thích ứng với thị trường lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN