Phú Thọ đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn

Trong những năm qua, du lịch Phú Thọ đã có bước phát triển khá, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hoạt động du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng thế mạnh của một địa phương được thiên nhiên ưu đãi với nhiều di tích lịch sử và văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.

Phú Thọ là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với những di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Vườn quốc gia Xuân Sơn, nước khoáng nóng Thanh Thủy và hai Di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh là Hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều tiềm năng, danh thắng cùng nhiều loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo khác với hàng trăm di tích, lễ hội độc đáo mang đậm dấu ấn thời đại Hùng Vương. Đây thực sự là kho tàng di sản văn hóa vô giá, là lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, tạo cho Phú Thọ cơ hội lớn để phát triển du lịch tâm linh, du lịch tham quan, sinh thái, nghỉ dưỡng.      

Giờ học hát Xoan của học sinh Trường Trung học cơ sở Kim Đức, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Ảnh: Trung Kiên- TTXVN

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Phú Thọ là vùng đất Tổ được đánh giá là có tiềm năng phát triển du lịch với 1.377 di sản văn hóa, hơn 160 di tích cận cổ. Phú Thọ có Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã được Chính phủ xếp vào loại đặc biệt, có hai di sản đã được Tổ chức Unesco công nhận là văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát xoan. Đây là một trong những điểm nhấn để du lịch Phú Thọ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…     

Với lợi thế có nguồn nước khoáng nóng phong phú, huyện Thanh Thủy đã được tỉnh Phú Thọ lựa chọn là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hàng chục đơn vị đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn như khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, khu nghỉ dưỡng Vườn Vua, khu du lịch Sông Thao… Ước tính, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Bước đầu trên địa bàn huyện đã hình thành các tua, tuyến du lịch…   
  
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho hay: Hiện nay trên địa bàn đã hình thành các tour, tuyến du lịch như: Hà Nội - Thanh Thủy - Đền Hùng (Việt Trì) - Hà Nội; Hà Nội - Thanh Thủy - Hòa Bình... Bên cạnh du lịch sinh thái, du khách còn được hưởng thụ và tham quan các khu du lịch tâm linh như: Đền Lăng Sương thờ Mẫu Đức Thánh Tản Viên Sơn; đình Đào Xá thờ Hùng Hải; đình La Phù thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn và các điểm di tích thời kháng chiến như tượng đài chiến thắng Tu Vũ…  
   

Việc đưa đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào khai thác góp phần phát triển du lịch vùng Đất Tổ. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Nhờ được đầu tư đúng hướng nên du lịch Phú Thọ đã có chuyển biến rõ nét, khách tham quan đến Phú Thọ đạt 6 - 7 triệu lượt khách/năm, đạt tốc độ tăng bình quân 5,7%/năm. Năm 2015, Phú Thọ đón và phục vụ khoảng 7,5 triệu lượt khách tham quan. Trên địa bàn tỉnh có 245 cơ sở lưu trú với 3.445 phòng, trong đó có 70 phòng tiêu chuẩn khách sạn 3 sao trở lên.     Trong 5 năm (2010 - 2015), Phú Thọ huy động nguồn lực đầu tư cho du lịch tăng 10%, gấp 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước; huy động được 60% nguồn vốn xã hội hóa, tăng cao so với 40% của giai đoạn 2005 - 2010.      

Tuy nhiên trên thực tế, sự phát triển của du lịch Phú Thọ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch tuy đã tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng để du lịch thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn, đóng góp của du lịch trong phát triển kinh tế của tỉnh còn hết sức khiêm tốn; phát triển du lịch Phú Thọ vẫn chưa chú trọng về chất, hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, không có khả năng khai thác, đưa khách từ bên ngoài về tham quan tại tỉnh. Sự liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh chưa được phát huy.     

Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Phú Thọ cho rằng tỉnh cần   xúc tiến đầu tư mạnh mẽ để lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm và quyết liệt thì mới triển khai hiệu quả các dự án du lịch. Tại Phú Thọ nên tập trung ở 2 địa bàn là huyện Thanh Thủy và thành phố Việt Trì. Theo đó, huyện Thanh Thủy đã bắt đầu ghi dấu trên bản đồ du lịch Việt Nam về du lịch khoáng nóng. Còn ở Việt Trì, cần biến lễ hội Đền Hùng trở thành du lịch lễ hội, tập trung vào xã hội hóa sản phẩm quanh khu vực Đền Hùng để di tích, di sản của thành phố Việt Trì phát huy hiệu quả...    
   
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Hoàng Dân Mạc, thời gian tới, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh cần xác định rõ ràng, cụ thể lộ trình phát triển, các khu, điểm du lịch trọng tâm cùng các sản phẩm du lịch đặc thù để ưu tiên đầu tư. Trong đó, cần xác định rõ thành phố Việt Trì với sản phẩm du lịch là lễ hội tâm linh, vui chơi giải trí; huyện Thanh Thủy với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh và du lịch trên sông; huyện Tân Sơn là du lịch sinh thái gắn với du lịch khám phá và du lịch văn hóa cộng đồng; huyện Hạ Hòa sản phẩm du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái cảnh quan, vui chơi, giải trí; huyện Tam Nông với khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao. Đặc biệt, tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm thành phố Việt Trì (trung tâm là Đền Hùng) và huyện Thanh Thủy nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch sẵn có. Cùng với đó, Phú Thọ đã và đang mời gọi các nhà đầu tư hình thành hệ thống hạ tầng then chốt tại 4 trung tâm du lịch trọng điểm. Một số công trình trọng điểm như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cầu Hạc Trì, cầu Đồng Quang đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng; cầu Việt Trì - Ba Vì đang được khẩn trương thi công. Đây là những điều kiện thuận lợi, mở ra một giai đoạn mới, tạo bước “đột phá” cho du lịch Phú Thọ phát triển mạnh.     

Với những nỗ lực đồng bộ, trong những năm tới, du lịch Phú Thọ sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, bền vững, đồng thời trở thành một trong 3 khâu đột phá trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Tạ Văn Toàn
Đưa Phú Thọ thành tỉnh hàng đầu miền núi Bắc Bộ
Đưa Phú Thọ thành tỉnh hàng đầu miền núi Bắc Bộ

Tỉnh Phú Thọ đề ra giải pháp trọng tâm, chiến lược để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững nhằm đạt mục tiêu đưa địa phương trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN