Đưa Phú Thọ thành tỉnh hàng đầu miền núi Bắc Bộ

Tỉnh Phú Thọ đề ra giải pháp trọng tâm, chiến lược để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững nhằm đạt mục tiêu đưa địa phương trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.


Ba khâu đột phá

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Phú Thọ đã đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển du lịch. Đây chính là nền tảng để xây dựng địa phương trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn tới.

Sản xuất gạch men ốp lát của Công ty CP Gạch men Tasa tại KCN Thụy Vân (Phú Thọ). Ảnh: Danh Lam – TTXVN


Theo ông Nguyễn Đình Cúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, việc thực hiện thành công 3 khâu đột phá góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển ổn định, các ngành có mức tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm đạt 5,87%, kinh tế đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng/người/năm (đứng thứ 3 trong các tỉnh vùng Tây Bắc), tăng 77,4% so năm 2010. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh…

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế suy thoái, đầu tư công giảm, nhưng tỉnh Phú Thọ vẫn huy động được nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển, tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong 5 năm, tỉnh huy động tổng vốn trên 69,06 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,2%/năm và tăng hơn hai lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Từ nguồn vốn huy động, địa phương đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp gần 1.000 km quốc lộ, tỉnh và huyện lộ; hoàn thành 7 cầu lớn gồm cầu Kim Xuyên, Sông Lô, Ngọc Tháp, Hoàng Cương, Hạc Trì, Đoan Hùng, Đồng Quang. Hạ tầng đô thị, khu cụm công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn được tăng cường đầu tư tạo diệm mạo đổi mới, góp phần đưa thành phố Việt Trì thành đô thị loại I trước 2 năm...

Công tác đào tạo nguồn nhân lực đạt kết quả quan trọng, các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề trên địa bàn được củng cố, nâng cấp và xây mới. Tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 85,6% (bình quân vùng Tây Bắc là 73%); mở rộng cơ cấu ngành, nghề đào tạo, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập. Tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Kinh phí đầu tư từ ngân sách cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề tăng 64,3%, quy mô đào tạo tăng 35,5% so nhiệm kỳ trước. Tổng số nhân lực đào tạo mới đạt 179,2 nghìn người (bình quân 35,84 nghìn người/năm).

Hoạt động du lịch có bước phát triển khá, kết cấu hạ tầng du lịch được tăng cường đầu tư. Tổng nguồn vốn huy động phát triển du lịch tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Tỉnh đã đưa vào khai thác một số dự án du lịch thế mạnh tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Lượng khách đến thăm quan, du lịch và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hàng năm đạt 6 - 7 triệu lượt; doanh thu du lịch tăng 17,9%/năm, gấp 2,25 lần so với năm 2010. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và bảo vệ thành công hai di sản văn hoá phi vật thể “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận và vinh danh, góp phần khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và tạo sự lan tỏa của không gian văn hóa vùng Đất Tổ.

Đưa kinh tế phát triển nhanh, bền vững


Tuy đã thoát khỏi tỉnh nghèo, nhưng Phú Thọ vẫn còn khó khăn. Hạ tầng giao thông thấp kém, thiếu nguồn lực đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, ngân sách nhỏ, lợi thế trong thu hút đầu tư không nhiều.

Để tạo đà đưa Phú Thọ phát triển nhanh, bền vững, giai đoạn tới, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục xác định bốn khâu đột phá là đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và du lịch.

Ông Bùi Văn Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, có biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu để tăng ngân sách trên địa bàn. Bên cạnh đó, Phú Thọ thực hiện giám sát chặt chẽ nguồn thu, chi; lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia trên từng địa bàn; tranh thủ vận động, thu hút nguồn vốn từ dự án ODA đầu tư xây dựng các dự án lớn; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút nguồn vốn FDI phù hợp với quá trình hội nhập…

Tỉnh sẽ triển khai thực hiện hiệu quả khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt; trong đó tập trung huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng cho các khu công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê, Phù Ninh, Trung Hà; phát triển giao thông vận tải đường bộ kết nối các trung tâm kinh tế của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia; chú trọng đầu tư hạ tầng dịch vụ, du lịch, phấn đấu từng bước đưa Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng.

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ quan tâm đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật cao, kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đưa ra nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên có trình độ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên gia đầu ngành, thợ bậc cao về giảng dạy và làm việc tại tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa quy trình, mỗi thủ tục rút ngắn tối đa thời gian giải quyết.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển công nghiệp có trọng điểm, thu hút và phát triển các ngành có thế mạnh, sản phẩm mới có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao, công nghệ thân thiện môi trường; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học và công nghệ cao, nông nghiệp xanh, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.

Với những giải pháp đưa ra, Phú Thọ phấn đấu giai đoạn 2015 - 2020, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 7,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28%. Lao động có việc làm tăng thêm 5 năm đạt 77,5 nghìn người; xuất khẩu lao động 2,5 nghìn người/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,5 triệu đồng (tương đương 2.400 USD); số hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm; phấn đấu đưa huyện Tân Sơn thoát nghèo...
Lâm Đào An
Căn nhà  lần phát hỏa tại Phú Thọ
Căn nhà lần phát hỏa tại Phú Thọ

Một căn nhà tại huyện Tam Nông (Phú Thọ) liên tiếp xảy ra hiện tượng phát lửa, bốc cháy ở nhiều vị trí khác nhau với nguyên nhân chưa được xác định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN