Theo các chuyên gia của Tổng cục Khí tượng Thủy Văn, đây là một quan niệm rất sai lầm, bởi vì nhiều cơn bão, dù tâm bão còn nằm ngoài biển, nhưng vùng gió mạnh và mưa lớn do bão gây ra đã vào sâu trong đất liền.
Đơn cử như cơn bão số 2 năm 2004, có tên quốc tế là CHANTHU, lúc 9 giờ 30 sáng ngày 12/6/2004, tâm bão vẫn nằm ở ngoài biển, nhưng vùng có gió mạnh cấp bão đã vào sâu trong đất liền. Gió bão mạnh (trên cấp 10) có thể trải rộng trong một vùng có bán kính khoảng 50 km xung quanh tâm bão đối với một cơn bão nhỏ, và có thể tới hơn 150 km đối với một cơn bão lớn. Khu vực có gió mạnh trên cấp 7 còn trải rộng hơn nữa, có thể cách tâm bão tới 500 km trong một cơn bão lớn. Chính vì vậy ngoài thông tin về vị trí tâm bão và cường độ bão, cần phải theo dõi thông tin về phạm vi bán kính gió mạnh trong các bản tin dự báo bão.
Khi bão còn đang trong giai đoạn trưởng thành, ở trên biển thoáng và đứng yên hay ít di chuyển, tức là ảnh hưởng của môi trường xung quanh đối với cơn bão là cân bằng nên vùng gió mạnh xung quanh tâm bão có thể xem là tương đối tròn.
Khi cơn bão di chuyển, chứng tỏ môi trường xung quanh đã có tác động không cân bằng tới nó, hoặc khi cơn bão bị ảnh hưởng của địa hình hay đang suy yếu, đặc biệt khi có sự kết hợp với một hệ thống thời tiết khác (ví dụ như không khí lạnh,…) thì nói chung vùng gió mạnh xung quanh tâm bão sẽ không còn tròn nữa và trở nên phức tạp.
Khi bão kết hợp với một hệ thống thời tiết khác, thì dù còn cách rất xa tâm bão gió đã rất mạnh, tiếp đến khi tâm bão đi qua, gió lại yếu dần đi một cách nhanh chóng. Nhiều người cho rằng bão đã qua và chủ quan trong phòng chống. Nhưng thực tế sau đó gió lại mạnh trở lại và đổi hướng. Nhiều người cho rằng bão quay trở lại. Cần phải hiểu đúng vấn đề này để tránh chủ quan trong phòng chống bão.