Trả lời vấn đề này, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính đang tham khảo lấy ý kiến để khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định mới về sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Theo đó, Nghị định nới sẽ quy định mức hỗ trợ một cách cụ thể, phù hợp hơn.
Để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hiệu quả, tại phiên họp thường kỳ mới đây, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về vấn đề này. Nghị định sẽ quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng Nghị định nêu trên, để thay thế Nghị định số 64.
UBND các tỉnh, thành khẩn trương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đúng pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng giữa những người hưởng cứu trợ.
Theo ông Võ Thành Hưng, các quy định tại Nghị định số 64 và Thông tư 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính có mục đích để đảm bảo cơ quan có thẩm quyền kêu gọi hỗ trợ và phân phát tiền cứu trợ một cách hiệu quả; đảm bảo các đơn vị cơ quan nhà nước làm đúng trách nhiệm khi nhận tiền quyên góp.
“Hơn nữa, trong khi người dân đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai gây nên, nhiều cá nhân, nghệ sĩ, doanh nghiệp huy động được tiền và trực tiếp làm từ thiện là việc tốt. Nhà nước không ngăn cấm cũng như không ép buộc tất cả dòng tiền từ thiện muốn tới tay người dân phải đi qua Ban cứu trợ do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cấp thành lập", ông Võ Thành Hưng nói.
Theo đó, Nhà nước chỉ khuyến khích cá nhân, tổ chức quyên góp vào các tổ chức chính thống, nhằm xác định đúng những người cần hỗ trợ nhất, tránh việc trùng lặp. Có những vùng rất nhiều nhà tài trợ đến nên người dân được hỗ trợ nhiều lần, trong khi rất nhiều người gặp nạn khác lại bị bỏ qua.
Được biết, Nghị định số 64 hiện quy định nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm:
Thứ nhất, MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của Trung ương, địa phương; MTTQ và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
Thứ hai, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.
Thứ ba, các tổ chức, đơn vị ở trung ương được MTTQ Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Thời gian qua, cả nước đã đồng lòng hướng về miền Trung. Trên mạng xã hội, các nghệ sĩ, cá nhân, tổ chức kêu gọi quyên góp, ủng hộ tiền và nhu yếu phẩm cần thiết để trao tận tay bà con trong lúc nước lũ bao vây này. Tuy nhiên, có những văn bản lại chưa quy định rõ ràng khiến dư luận đặt ra nhiều vấn đề, trong đó câu chuyện của ca sỹ Thủy Tiên là một những trường hợp tạo tranh luận nhiều nhất.
Tuy nhiên, một mặt Nghị định 64 liệt kê các tổ chức được quyền tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, nhưng cũng ngay tại Khoản 3 của Điều 5 thuộc Nghị định này lại có thêm nội dung không một tổ chức, đơn vị, cá nhân (không thuộc diện MTTQ) được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nói: “Nghị định số 64 và Thông tư số 72/2008/NĐ-CP ngày 31/7/2008 của Bộ Tài chính được ban hành đến nay đã hơn 10 năm trong khi điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, vấn đề đạo đức xã hội cũng có những chuyển biến. Bởi vậy, cần phải có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, có những hướng dẫn cụ thể để tránh những tranh cãi không đáng có. Hơn hết là để những quy định pháp luật trên không trở thành rào cản cho các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện”.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp ai đó lợi dụng hoạt động này để trục lợi, lừa đảo thì đã có những chế tài hành chính hoặc hình sự để xử lý, trong đó không loại trừ trường hợp có thể áp dụng các quy định như tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.