Cụ thể, tại khoản 4, điều 7, Nghị định 06/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa với trẻ mẫu giáo và giáo viên mầm non quy định: Giáo viên dạy tại các điểm trường lẻ thuộc quy định trên được hưởng chế độ hỗ trợ với mức 450.000 đồng/giáo viên/tháng. Trong khi đó, giáo viên công tác tại các điểm trường chính (điểm trung tâm) tại các trường mầm non công lập thuộc các xã ở vùng có điều kiện - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn vẫn phải thực hiện các hoạt động dạy học ở các lớp mẫu giáo ghép, hầu hết trẻ ở các lớp mẫu giáo đó đều là người dân tộc thiểu số nhưng không được hưởng chế độ hỗ trợ này.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trả lời như sau: Trong những năm qua, giáo dục mầm non được Đảng, Nhà nước, quan tâm, ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó chế độ cho giáo viên được quan tâm, nhất là giáo viên vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.
Việc giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở điểm lẻ; hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được hưởng phụ cấp mà giáo dục mầm non cùng địa bàn nhưng ở điểm trường chính không được hưởng phụ cấp là do:
Tại điểm lẻ, điều kiện về địa lý, giao thông đi lại khó khăn hơn, cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi còn nghèo nàn; giáo viên mầm non phải tự làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ, nên trong điều kiện ngân sách khó khăn, chính sách Nhà nước tập trung hỗ trợ cho điểm lẻ, nơi có điều kiện khó khăn hơn điểm chính.
Dự kiến, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách này phù hợp với điều kiện ngân sách Nhà nước.