Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, qua thống kê trong năm qua, số ca bệnh mắc sốt xuất huyết nặng chiếm 20% trong tổng số ca mắc. Tuy nhiên, trên thực tế, số ca nặng có thể còn nhiều hơn nữa. Biểu hiện của bệnh đa dạng từ nhẹ đến nặng và thậm chí ghi nhận có những trường hợp tử vong.
Nhiều ý kiến cho rằng, bệnh sốt xuất huyết thường trở nặng ở trẻ và trẻ mắc sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn. Về quan niệm này, bác sĩ Lê Hồng Nga cho rằng, nếu như vài chục năm trước đây, tỷ lệ trẻ em mắc sốt xuất huyết chiếm 70%, còn theo điều tra dịch tễ những năm gầy đây, tỷ lệ trẻ em và người lớn mắc bệnh và khả năng trở nặng bệnh là ngang nhau.
“Tuy nhiên, người lớn mắc sốt xuất huyết khi đến bệnh viện thì thường nặng hơn ở trẻ. Bởi thường người lớn khi bị sốt hay chủ quan và cho rằng sốt có thể tự hết, khi đưa đến bệnh viện thì bệnh đã quá nặng và không thể xử trí được, trên thực tế đã có trường hợp tử vong”, bác sĩ lê Thị Hồng Nga giải thích thêm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, sốt xuất huyết không giống như cảm sốt thông thường. Đối với các bệnh lý qua đường hô hấp thì người dân có thể xông mũi, xông họng và uống nước để giải cảm. Tuy nhiên, đối với sốt xuất huyết là một loại siêu vi thông qua đường muỗi chích, đi qua đường máu nên không thể giải quyết bằng cách những cách trên.
“Người bị sốt xuất huyết tuyệt đối không được thực hiện các biện pháp dân gian như cạo gió, xông hơi, cắt lễ. Bởi sốt xuất huyết rất dễ bị chảy máu nếu cạo gió, cắt lễ thì có thể sẽ làm tăng sự xuất huyết dưới da, các thành mạch sẽ bị vỡ và tiểu cầu giảm nên rất nguy hiểm với người bệnh. Phải xác định mình không bị sốt xuất huyết thì mới có thể thực hiện các biện pháp giải cảm thông thường”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Bác sĩ Lê Thị Hồng Nga cũng khuyến cáo người dân nếu bị sốt là phải đi đến các cơ sở y tế khám bệnh, không nên ở nhà tự điều trị, cạo gió, xông hơi, truyền dịch… Bởi trên thực tế có những trường hợp người dân nghĩ mình bị cảm thông thường và tự ở nhà điều trị đến khi bệnh quá nặng mới vào bệnh viện thì đã muộn.
Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, vào thời điểm hiện tại, người dân khi có biểu hiện tự nhiên sốt cao là phải nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết trước khi thực hiện các biện pháp giải cảm theo dân gian. Bên cạnh đó, theo dõi thời gian sốt, nếu sốt quá 48 tiếng thì phải đi đến bệnh viện. Trong thời gian 48 tiếng đó phải uống đủ nước, ăn uống và nghỉ ngơi. Sau 48 tiếng phải đến cơ sở y tế khám bệnh, xét nghiệm máu để biết bệnh ở mức độ nặng hay nhẹ, đồng thời phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Theo đó, sau 48 tiếng nếu thấy nôn ói nhiều thì bệnh đã biến chứng, đau ở vùng bên hông phải, chảy máu răng, đi cầu ra máu… cần phải đến bệnh viện gấp.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường và phức tạp, thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Ước tính có khoảng 10% - 30% số người mắc bệnh sốt xuất huyết nặng phải nhập viện mỗi năm. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê…
Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu; người mẹ có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ gây nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, sốt xuất huyết có thể gây biến chứng xuất huyết võng mạc, xuất huyết trong dịch kính, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa.
Ngành y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mưa nhiều sẽ làm phát sinh nhiều chỗ đọng nước, là điều kiện thuận lợi để cho muỗi đẻ trứng và do đó cũng là nguy cơ làm tăng các bệnh do muỗi lây truyền, trong đó có sốt xuất huyết. Do đó, để phòng bệnh sốt xuất huyết, phải tăng cường kiểm soát các điểm nguy cơ, xóa các điểm đọng nước, không cho muỗi có chỗ để trứng…