Kiến trúc độc đáo hình con thuyền với những cánh buồm no gió đang vươn mình ra khơi, nhà hát Opera Sydney không chỉ là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng đầy mạnh mẽ của thế giới hiện đại mà còn là niềm tự hào của người dân Australia. Được chính thức mở cửa vào ngày 20/10/1973, nhà hát Opera Sydney ngay lập tức đã trở thành một trong những khu biểu diễn nghệ thuật ấn tượng nhất thế giới.Nhà hát Opera Sydney. Ảnh: wikipedia |
Cho đến đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, thành phố Sydney, bang News South Wales, Australia vẫn chưa có một địa điểm để tổ chức các chương trình kịch, biểu diễn âm nhạc qui mô lớn. Chính vì vậy, vào năm 1955, Thống đốc bang News South Wales Joseph Cahill đã tổ chức một cuộc thi thiết kế nhà hát lớn cho thành phố Sydney. Từ 233 bản thiết kế được gửi đến, cuối cùng ban giám khảo đã lựa chọn thiết kế đầy táo bạo, độc đáo của kiến trúc sư người Đan Mạch Joern Utzon. Đó là một nhà hát Opera Sydney với những mái hình vỏ sò, tượng trưng cho hình ảnh con thuyền với những cánh buồm no gió đang vươn mình ra khơi.
Khởi công xây dựng tại Bennelong Point ở bến cảng Sydney vào tháng 3/1959, phải mất 14 năm, công trình nhà hát Opera Sydney mới được hoàn thành, với chi phí khổng lồ 102 triệu USD.
Nhà hát có diện tích 18.000m2, được xây dựng trên một hệ thống chân móng gồm 580 cột bê tông đóng sâu 25m dưới mực nước biển. Nhà hát cũng có một hệ thống cung cấp điện riêng, với hệ thống cáp truyền tải điện dài tới 654km, có khả năng cung cấp điện cho một thị trấn 25.000 dân.
Nhà hát được thiết kế một hệ thống mái vòm rất đặc biệt để gió biển có thể thổi vào bên trong, giúp điều hòa nhiệt độ một cách tự nhiên. Mỗi mái lớn hình vỏ sò của nhà hát đều được làm từ bê tông khối và được bao phủ bằng hàng triệu viên ngói màu trắng và màu kem có thể tự làm sạch, sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Tại các mái vòm đều có gắn các tấm pha lê màu, giúp nội thất nhà hát trở nên lung linh và huyền ảo hơn mỗi khi đón ánh sáng mặt trời.
Nội thất bên trong nhà hát hầu hết đều sử dụng đá granite hồng lấy từ vùng Tanara, bang New South Wales. Ngoài ra, rất nhiều gỗ tự nhiên và gỗ dán cũng được sử dụng trong thiết kế nội thất của nhà hát.
Opera Sydney là tổ hợp của 5 khu nhà hát, 5 studio tập diễn, 2 sảnh chính, 4 nhà hàng, 6 quán bar và một số cửa hàng lưu niệm, trong đó sảnh hòa nhạc có thể chứa được 2.679 khán giả, nhà hát opera có thể chứa tới 1.547 khán giả.
Một điểm đặc biệt nữa của nhà hát Opera Sydney chính là hệ thống âm thanh vang vọng tự nhiên mà không một nơi nào khác trên thế giới có được. Những ưu điểm về âm thanh, ánh sáng, sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc với cảnh quan đã giúp Nhà hát Opera Sydney trở thành một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất và là một trong những trung tâm trình diễn nghệ thuật bận rộn và sáng tạo nhất thế giới.
Đến nay, mỗi năm nhà hát tổ chức khoảng 1.600 buổi biểu diễn hòa nhạc giao hưởng, múa ba lê, opera, kịch sân khấu, khiêu vũ, âm nhạc, hài kịch, chương trình của trẻ em và biểu diễn đương đại, thu hút trên 1,2 triệu khán giả.
Bên cạnh chức năng là một nơi trình diễn nghệ thuật, Opera Sydney còn là địa điểm thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, hội nghị quan trọng hay những sự kiện lớn của thành phố. Đây cũng là một trong những nơi thu hút rất nhiều nhà nhiếp ảnh, họa sĩ, ca sĩ, khách du lịch và các cặp uyên ương từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi năm có trên 8,2 triệu lượt khách tham quan nhà hát, đóng góp hơn 1 tỷ USD cho nền kinh tế Australia, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 12.000 người.
Vào những dịp kỷ niệm lớn hay dịp chào đón năm mới, màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật được tổ chức tại đây đã trở thành một trong những hình ảnh gây ấn tượng với hàng triệu người trên thế giới.
Ngày 28/6/2007, nhà hát Opera Sydney được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Theo UNESCO thì “Công trình này thật táo bạo và là một sự thử nghiệm có tầm nhìn rộng lớn đã có ảnh hưởng lâu dài trên các lối kiến trúc cuối thế kỷ XX. Kiến trúc của tòa nhà là một di tích và là một hình tượng nghệ thuật độc đáo”.
Đây là công trình trẻ tuổi nhất trong danh sách các di sản thế giới và với nhiều người, Opera Sydney luôn chiếm một vị trí như biểu tượng văn hóa của Australia, tương tự như đền thờ Taj Mahal ở Ấn Độ, tháp Effel ở Pháp, kim tự tháp ở Ai Cập...
Dù đã 41 năm trôi qua nhưng nhà hát Opera Sydney vẫn luôn là một trong những điểm đến ưa thích nhất của bất cứ ai khi đến với đất nước của “những chú chuột túi”. Tham quan và chụp một bức ảnh với nhà hát sẽ là một ấn tượng khó phai trong hành trình khám phá.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN