Là một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, tỉnh Quảng Ninh đã có bề dày lịch sử hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành. Trong hơn 50 năm ấy, đã có rất nhiều công trình được xây dựng, làm thay đổi diện mạo của Quảng Ninh. Nhưng có lẽ công trình ghi dấu ấn đậm nét nhất, sâu sắc nhất trong lòng người dân nơi đây chính là cây cầu Bãi Cháy. Đây là cầu dây văng dự ứng lực một mặt phẳng đầu tiên mà ngay từ khi thi công cho đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng (ngày 2/12/2006) luôn thu hút được sự quan tâm của không chỉ người dân Quảng Ninh mà của người dân cả nước.
Cầu Bãi Cháy rực rỡ trong đêm. Ảnh: Xuân Tùng-TTXVN |
Từ nghìn năm trước, nước dòng Cửa Lục vẫn vơi đầy ngăn cách đôi bờ và đổ ra biển. Ra khỏi Cửa Lục không gian như vỡ òa trước sự mênh mang của biển cả và vẻ đẹp huyền thoại của vịnh Hạ Long.
Những chiếc thuyền nan từ cái thuở xa xưa ấy đã là phương tiện nối đôi bờ Cửa Lục. Năm 1883, khi người Pháp chiếm đóng, họ đã khai thác than đá ở nơi đây và biến đôi bờ Cửa Lục đã thành ranh giới phân chia giữa khu nghỉ dưỡng của giới chủ và nơi sống và làm việc của những người phu mỏ. Để rồi không biết tự bao giờ, người phu mỏ Hồng Quảng đã phải thốt lên rằng:
Ai đưa ta đến chốn đây
Bên kia Bãi Cháy bên này Hòn Gai
Một cây cầu nối liền đôi bờ Cửa Lục luôn là ước mơ chảy bỏng của người dân vùng đất mỏ Quảng Ninh. Để rồi ngày 2/12/2006, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực, cây cầu Bãi Cháy - một cây cầu hiện đại chính thức đi vào sử dụng.
Vượt lên giá trị của một công trình giao thông huyết mạch, sự ra đời của cầu Bãi Cháy còn được xem như kỳ tích về kiến trúc rất tương xứng với tầm vóc của một danh lam thế giới.
Cầu Bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18, nối liền hai khu vực trung tâm văn hóa-kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, Hòn Gai và Bãi Cháy.
Khởi công ngày 1/8/2003, cầu Bãi Cháy là cây cầu dây văng bê tông dự ứng lực một mặt phẳng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.
Cầu Bãi Cháy được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và một phần vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư hơn 2.140 tỷ đồng; cầu do Viện Cầu và kết cấu Nhật Bản (JBSI) thiết kế; liên danh nhà thầu Shimizu - Sumitomo Mitsui và một số nhà thầu phụ trong nước là CIENCO 1; LICOGI, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đảm nhiệm thi công.
Cầu Bãi Cháy có tổng chiều dài 903m, trong đó chiều nhịp chính là 435m, chiều rộng là 25,3m, với 6 làn xe. Tĩnh không thông thuyền của cầu là 50m chiều cao và 130m chiều rộng, đảm bảo cho tàu có trọng lượng 5 vạn tấn qua lại thuận tiện.
Đường dẫn lên cầu là đường đô thị cấp II, có 4 làn xe cơ giới với tốc độ thiết kế 80 km/giờ, toàn tuyến dài 5km, có 8 cầu dẫn với tổng chiều dài là 1,172km. Đường nhánh rẽ 2 đầu cầu dài 2,74km cùng các công trình phụ trợ khác.
Với công trình cầu Bãi Cháy, nhiều công nghệ, kỹ thuật thi công tiên tiến lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam như biện pháp thi công móng giếng chìm hơi ép, móng cọc Shinco…
Mặc dù là cây cầu lớn về quy mô và phức tạp về kỹ thuật, nhưng chỉ sau hơn 40 tháng thi công, ngày 2/12/2006, cầu Bãi Cháy đã chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng (về đích trước tiến độ khoảng 3 tháng).
Cầu Bãi Cháy khánh thành vào dịp Quảng Ninh kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ và là biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Cầu Bãi Cháy có giá trị lớn về mặt giao thông vận tải, nối liền hai bờ Cửa Lục, chấm dứt vĩnh viễn việc chuyển tải qua phà Bãi Cháy, bến phà cuối cùng trên toàn tuyến Quốc lộ 18A từ các tỉnh phía trong ra Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tạo điều kiện để kích thích sự phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các tỉnh khu vực phía Bắc nói chung....
Cầu Bãi Cháy, cây cầu lớn nhất trên toàn tuyến, càng có ý nghĩa quan trọng hơn, bởi lẽ, eo biển Cửa Lục mà cây cầu bắc qua là luồng vào cảng nước sâu Cái Lân và khu công nghiệp đóng tàu trọng tải trên 10.000 tấn.
Hơn thế, giờ đây, từ mặt vịnh nhìn lên, cây cầu hoành tráng, uy nghi, tổng thể là một đường cong với hai trụ tháp cao 137m và 4 làn dây văng sơn phản quang đa màu đối xứng theo trụ cầu trông như khung đàn thụ cầm. Đứng trên mặt cầu có thể bao quát cả thành phố Hạ Long và một phần vịnh rộng lớn.
Cây cầu đã tạo ra một bước đột phá mới về du lịch cho thành phố. Với tất cả những giá trị của mình, có thể nói, cầu Bãi Cháy ra đời đã tạo niềm hứng khởi, là động lực mới cho Quảng Ninh phát triển, đi lên. Nó là dấu ấn đáng nhớ của tỉnh Quảng Ninh cũng như cả nước trong những năm đầu thế kỷ XXI.
TTTL/TTXVN