“Cầu người” - bức ảnh độc đáo của nhà báo Văn Thính

Từng lăn lộn khắp các chiến trường để ghi lại hàng trăm bức ảnh chân thực, xúc động về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc nhưng với ông Phạm Văn Thính, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam thì bức ảnh “Cầu người” để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất. Bức ảnh này cũng đã được hội đồng nghệ thuật Trung ương đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh.


Gặp ông Phạm Văn Thính, nguyên phóng viên ảnh Thông Tấn xã Việt Nam tại chung cư 218 Nguyễn Đình Chiểu những ngày đầu tháng 10, chúng tôi lại có dịp được nghe ông kể về những ngày tháng gian khổ, hào hùng của thế hệ phóng viên Thông tấn xã Giải phóng năm xưa.

Bức ảnh độc đáo “Cầu người” của phóng viên ảnh chiến trường Phạm Văn Thính.

Sau khi tốt nghiệp khoa văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1963 ông được Thông tấn xã Việt Nam tuyển về đào tạo 3 tháng, sau đó ông lên đường vào chiến trường miền Nam. Sau 6 tháng vượt Trường Sơn, đoàn phóng viên của ông cũng về tới Tây Ninh, tại đây ông được phân công đi cùng với sư đoàn 5.

Ông Văn Thính chia sẻ, trong chiến tranh, chúng tôi tác nghiệp vô cùng khó khăn, gian khổ. Bởi ngoài túi phim và cái máy ảnh chúng tôi còn mang 2 quả lựu đạn, súng AK, B40…. Nói chung phóng viên của thông tấn xã khi xuống đơn vị cũng được coi là một người lính. Vì vậy, người lính trang bị như thế nào thì chúng tôi được trang bị như thế. Nhờ vậy, chúng tôi mới phản ánh kịp thời, chân thực cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc và cũng từ đó tôi mới chụp được bức ảnh quý “Cầu người”.

Ngày nay, tác phẩm “Cầu người” của ông được xem là một trong những bức ảnh quý hiếm và nổi tiếng thể hiện sống động, chân thực về những đóng góp của nữ thanh niên xung phong trong kháng chiến.

Nhà báo Phạm Văn Thính xúc động nhớ về những năm tháng tác nghiệp gian khổ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Ông Thính nhớ lại: “Sau chiến dịch Mậu Thân, tôi với đơn vị bộ đội thuộc trung đoàn 3, sư đoàn 9 hành quân qua chiến khu D. Khi đang hành quân, tôi nghe có tiếng lao xao phía trước thế là tôi tách đơn vị đi lên trước. Khi đến nơi, hình ảnh các cô nữ thanh niên xung phong đang dầm mình trong nước làm cầu tải thương binh qua suối nước lớn đã khiến tôi rất xúc động. Tôi liền lấy máy ra chụp 3 góc độ, chụp xong tôi lại nhập vào đoàn tiếp tục đi. Về đến căn cứ rửa phim, tôi chọn được kiểu ưng nhất. Sau đó, tôi viết chú thích kẹp với phim, giao cho biên tập viên gửi ra Tổng xã (Hà Nội).

“Khi gửi bức ảnh về Tổng xã tôi có đặt tên bức ảnh là: “Tuổi 20 trong chiến tranh” cùng chú thích: “Thanh niên xung phong chiến khu D, Tây Ninh dùng ván cũ của nhà kho hậu cần làm cầu bắc trên vai, chuyển thương binh vượt suối Nhum trong chiến dịch Mậu Thân 19”. Tuy nhiên, anh em biên tập ở cơ quan đã đổi tên bức ảnh thành “Cầu người”, dần dần tác phẩm này xuất hiện trên rất nhiều tờ báo, tạp chí cũng như tại các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế. Và hôm nay, nó đã được hội đồng nghệ thuật trung ương đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh” - ông Văn Thính tiếp lời.

Phải đến 40 năm sau, bức ảnh “Cầu người” được Bảo tàng Phụ nữ TP Hồ Chí Minh chọn trưng bày thì tác giả Văn Thính mới có dịp gặp được bà Giáp Thị Thanh Tiến - một trong những nhân vật làm “Cầu người” năm xưa.

Ông Thính cho biết: “Nhờ bức ảnh này mà tôi mới có dịp gặp lại nhân vật của mình, từ đó mới biết rõ hơn về những nữ thanh niên xung phong năm xưa mình chụp, người còn, người mất và cuộc sống họ ra sao. Năm xưa, tôi vội đi chiến trường mà chưa kịp hỏi thông tin về họ. Cảm xúc sau 40 năm mới được gặp nhân vật khiến tôi bật khóc mừng mừng tủi tủi”.

Tuổi già, ông Văn Thính và vợ là bà Nguyễn Thị Kim Liên, cũng từng là Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam sống hiu quạnh trong căn chung cư cũ. Ông bà từng có 3 người con, nhưng cả 3 đều mất sớm do di chứng chất độc da cam từ những ngày chiến tranh khốc liệt. Trải qua một cuộc đời đầy những biến cố, nhiều thiệt thòi, dù vậy, ông vẫn luôn lạc quan vui vẻ. Chia tay ông ra về, ông vẫn vui vẻ, ân cần dặn chúng tôi: “Người trẻ làm việc gì cũng phải có cái tâm trong sáng, chính nghĩa, nhân ái, có như vậy mọi thứ mới thành công. Nếu có cái tâm trong sáng, bài viết sẽ mượt mà trôi chảy, có ích cho xã hội và sống được với thời gian”.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
16 chữ vàng của Thông tấn xã Giải phóng
16 chữ vàng của Thông tấn xã Giải phóng

Giữa những ngày mùa thu của năm 2015, tôi bồi hồi nhớ lại thời gian công tác tại Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) ở miền Nam. Đó là những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời làm cách mạng mà tôi không thể nào quên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN