Cuộc 'tổng diễn tập' của Cách mạng tháng Mười Nga

Nói đến Cách mạng Nga năm 1905, người ta không thể không nhắc đến cuộc tổng bãi công của công nhân Nga trên toàn quốc ngày 26-10 năm đó. Đây là đỉnh cao của cuộc cách mạng, được coi là cuộc “tổng diễn tập” của Cách mạng tháng Mười năm 1917.

Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở các nước Tây Âu, nhiều cuộc cách mạng tư sản đã bùng nổ và sự kiện này đã ảnh hưởng đến chế độ Sa hoàng ở Nga.

Biểu tình năm 1905 tại Jakobstad.


Nikolai II là Sa hoàng cuối cùng của vương triều Romanov, năm 1904, vì muốn tranh quyền kiểm soát trên biển, ông đã tiến hành cuộc chiến tranh với Nhật trên đất Trung Quốc, nhưng đã bị thua thảm hại.

Thất bại về quân sự kéo theo sự chao đảo về chính trị, khiến khủng hoảng trong nước ngày một sâu sắc thêm. Phong trào phản chiến đã nổ ra ở khắp đất nước Nga.

Khởi đầu cho cuộc Cách mạng năm 1905 là sự kiện công nhân bị thảm sát dã man vào ngày 21/1/1905 ngay tại thủ đô Saint Petersburg, trung tâm thống trị của Nikolai II.

Ngày 2/1/1905, trong một kho phế liệu của nhà máy quân giới Putinov ở ngoại ô Saint Peterburg, hàng chục công nhân hội họp rất khẩn trương bàn về vấn đề chủ xưởng định sa thải công nhân. Sáng hôm sau, tiếng còi nhà máy vang lên, 12.000 công nhân bắt đầu bãi công.

Tin công nhân bãi công như tiếng sấm mùa xuân, thức tỉnh toàn thể công nhân Peterburg. Chỉ mấy ngày sau, số người tham gia bãi công đã lên quá 15.000 người. Họ tập trung tại Quảng trưởng Cung điện mùa Đông để thỉnh cầu lên Sa Hoàng. Tuy nhiên Sa Hoàng đã bố trí quân đội mạnh ở đó và đã xả súng không thương tiếc vào công nhân.

Những người công nhân, tay không mang vũ khí, chỉ có cờ xí, tượng thánh, ảnh Sa hoàng, chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra thì hết người này đến người kia ngã đã xuống trong vũng máu. Hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 5.000 người khác bị thương.

Ngày này đã trở thành “Ngày Chủ nhật đẫm máu” và cuộc tàn sát đã khiến cho nhiều người còn mơ hồ phải thức tỉnh. Đấu tranh của công nhân cũng nhanh chóng chuyển từ thỉnh cầu sang đấu tranh vũ trang.

Hình ảnh minh họa về “Ngày Chủ nhật đẫm máu”.


Ngay chiều hôm đó, trên các bức tường của thành phố Peterburg xuất hiện những áp phích và biểu ngữ viết “Thà chết còn hơn không có tự do” “Đả đảo chuyên chế! Đả đảo Sa hoàng”.

Anh em công nhân nuốt nước mắt, chôn cất những người thân của mình, sau đó lấy cột điện, dây thép và đá tảng dựng thành chiến lũy trên đường phố. Họ cướp lấy vũ khí của cảnh sát và binh lính vũ trang, tự trang bị cho mình, chiến đấu với quân của Sa hoàng ngay trong các ngõ xóm của Peterburg.

Ngọn lửa đấu tranh lan ra đến các thành phố khác như Moskva, Odessa, Novgorod. Các cuộc bãi công, khởi nghĩa hợp thành một lực lượng không thể chống cự được.

Một tháng sau, số công nhân Nga bãi công đã lên tới hơn 44.000 người. Ngày 1/5/1905, công nhân của hơn 20 thành phố đã biểu tình và hô vang khẩu hiệu “Đả đảo chế độ chuyên chế” “Nước cộng hòa dân chủ muôn năm”. Họ tuyên bố bãi công, bầu các đại biểu của mình, thành lập các Xô viết.

Hình minh họa về tình hình xảy ra trên thiết giáp hạm Potemkin.


Tháng 6, thiết giáp hạm Potemkin của hạm đội Hắc Hải kêu gọi các thủy thủy không chấp hành mệnh lệnh ô nhục của Sa hoàng đi đàn áp công nhân, tuyên bố khởi nghĩa. Cuộc nổi dậy của thủy thủ tàu Potemkin được xem là cuộc đấu tranh đầu tiên của quân đội và hải quân.

Ngọn lửa vũ trang lan ra toàn nước Nga. Ngày 19/10/1905, công nhân tuyến đường sắt Moskva bãi công và đến ngày 26/10/1905, nó đã biến thành cuộc tổng bãi công trên toàn quốc, với số người tham gia lên đến hơn 2 triệu người. Trong cuộc tổng bãi công lần này đã xây dựng được bộ máy lãnh đạo cách mạng kiểu mới, đó là Xô viết công nhân.

Cuộc cách mạng 1905 thoái trào và kết thúc vào ngày 19/12/1907.

Cuộc cách mạng 1905 mà đỉnh cao là ngày 26/10 báo trước một cơn giông bão cách mạng, làm rệu rã chế độ chuyên chế Sa hoàng. Giai cấp công nhân Nga nhanh chóng trưởng thành. Lênin đánh giá “Cách mạng Nga năm 1905 là cuộc “tổng diễn tập” của Cách mạng tháng Mười”.



Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

Phim có âm thanh đầu tiên trong lịch sử điện ảnh
Phim có âm thanh đầu tiên trong lịch sử điện ảnh

Bộ phim The Jazz Singer của hãng Warner Bros ra mắt năm 1927 là bộ phim đầu tiên có tiếng nói và tiếng nhạc trong lịch sử điện ảnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN