Chúng tôi có cuộc hành trình từ vùng Đông Bắc rồi đến vùng trung du, ngược lên Tây Bắc, ở đâu, chúng tôi cũng gặp hình ảnh, bóng dáng của những cây đa cổ thụ bên ven đường, bên những ngôi đền cổ hay bên triền núi. Người dân, đặc biệt là người già ở dưới những bóng đa cổ thụ ấy vẫn kể cho nhau nghe, kể cho người ở phương xa đến những câu chuyện như kết tinh từ trong huyền thoại xa xưa gắn với bóng đa ở nơi họ sinh ra và lớn lên.
Cây đa bên đền Mẫu Âu Cơ
Tương truyền, sau khi kết duyên với Lạc Long Quân và đẻ ra bọc trăm trứng, Mẹ Âu Cơ cùng 49 người con lên miền ngược thấy đất Hiền Lương (Hạ Hòa- Phú Thọ) phong cảnh tươi đẹp, sơn thủy hữu tình nên đã chọn làm nơi dừng chân khai sơn phá thạch. Rồi một hôm, Mẹ Âu Cơ đi về phía núi Nỏ, thay xiêm y và cùng tiên nữ bay về trời, để lại dải lụa đào vương trên ngọn cây đa huyền thoại.
Từ bao đời nay, cây đa tỏa bóng mát xuống mái đền Mẫu (Hạ Hòa, Phú Thọ). |
Nhân dân Hiền Lương nhớ ơn công đức của Mẫu Mẹ đã dựng đền thờ để tháng năm hương khói. Từ bao đời nay, bên ngôi đền thờ Mẫu Mẹ của muôn dân đất Việt, cây đa tỏa bóng xanh tốt, cành là của cây chùm xuống mái đền như đang ôm ấp, chở che. Đặc biệt, mỗi khi mùa xuân về, cư dân Hiền Lương lại mang dải lụa đào trải lên ngọn đa để tưởng nhớ Mẫu Mẹ Âu Cơ. Dải lụa hồng hòa vào màu xanh của lá đa và dáng vẻ cổ kính của thân cây như thể đang kể lại huyền tích về nguồn cội “Con Rồng Cháu Tiên” của muôn dân đất Việt. Cây đa đền Mẫu đã được công nhận là cây di sản của Việt Nam.
300 năm bám rễ miền biên cương
Đó là vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa ngời lên sức sống bền bỉ trên một địa chênh vênh miền núi Lào Cai của cây đa đền Thượng, nơi thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương, vị tướng đã lãnh đạo toàn dân và quân Đại Việt ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông xâm lược hồi thế kỷ XIII. Trải qua thời gian, cây đa đền Thượng vẫn đứng vững, tỏa bóng xuống ngôi đền cổ.
Thân cành đa cổ thụ ngời lên sức sống trong làn sương mờ. |
Cây đa đền Thượng có độ tuổi khoảng 300 năm, cao 36m, chu vi 44m và là cây đa có chu vi toàn bộ thân cây lớn nhất Việt Nam. Điều đặc biệt, cây đa đền Thượng có một hệ thống dễ buông xuống từ trên thân cây rồi bám chặt vào lòng đất tạo cho cây có một thế đứng vững chắc, giàu sức sống, sức sinh sôi nơi miền biên cương. Cây đa đền Thượng đã được công nhận cây di sản vào năm 2012.
Nơi thắp lửa cuộc tổng khởi nghĩa
Nơi gốc đa ấy, giữa con đường làng, trước cửa chợ, cây đa tỏa bóng mát, thân cành xù xì, rêu phủ màu thời gian. Đó là cây đa Chợ Chu (Định Hóa - Thái Nguyên). Vẫn còn đây, trước cửa chợ Chu là hai cây đa lịch sử ghi dấu ấn ngày 28 tháng 3 năm 1946. Tại đây, đúng ngày này, đã diễn ra cuộc mít tinh lịch sử với hàng ngàn quần chúng tham gia. Trong cuộc mít tinh này, Việt Minh huyện Định Hóa đã tuyên bố xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai. Từ đây, ngọn lửa cuộc Cách mạng tháng Tám bùng lên mạnh mẽ, Mặt trận Việt Minh tiến về Hà Nội cướp chính quyền. Ngày nay, vẫn còn đó chợ Chu thời Pháp cùng hai cây đa tọa lạc ngay giữa ngã ba đường như minh chứng cho một thời hào hùng của lịch sử dân tộc.
Thật kỳ diệu, khi những huyền tích, những câu chuyện, những sự kiện lịch sử và những nhân vật lịch sử không chỉ có sức sống lâu bền trong lòng nhân dân Việt Nam mà còn được tạc vào dáng hình cổ thụ. Mỗi vùng đất đều có những di sản quí giá ấy, là nơi các thế hệ neo tâm hồn mình để cảm nhận được dáng hình xứ sở, lắng nghe được tiếng đồng vọng của cha ông từ thuở xa xưa.