Giáo sư Nguyễn Văn Huyên với nền giáo dục, văn hóa đất nước

Ngày 19/10/1975, nhà bác học, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, người đã gắn bó cả đời với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà, đã vĩnh biệt chúng ta. Ông là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Chân dung thời trẻ của ông Nguyễn Văn Huyên.


Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16/11/1908 tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội, trong một gia đình có cha là công chức. Lên 8 tuổi, ông mồ côi cha. Mất mát sớm, song Nguyễn Văn Huyên đã được gia đình tạo điều kiện cho học hành cẩn thận.

Năm 18 tuổi, Nguyễn Văn Huyên và người em trai được gia đình cho sang Pháp du học. Năm 20 tuổi ông đỗ tú tài. Một năm sau ông đỗ cử nhân văn chương, năm tiếp theo ông đỗ thêm một bằng cử nhân Luật.

Ngày 17/2/1934, Nguyễn Văn Huyên trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris - một trường đại học lớn và uy tín của Pháp. Luận án chính của ông là “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” và luận án phụ “Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông - Nam Á”. Hai luận án của ông được Hội đồng giám khảo đánh giá là “một sự kiện đáng ghi nhớ” trong lịch sử nhà trường.

Sau khi đạt tới đỉnh cao về học vấn, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên trở về Việt Nam dạy học tại trường Bưởi. Là một nhà trí thức yêu nước, ngay từ năm 19, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên đã tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ; từng ký tên vào bức điện yêu cầu Vua Bảo Đại thoái vị, trao quyền lãnh đạo đất nước cho Việt Minh…

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên được Bác Hồ và quốc dân tín nhiệm, trở thành vị Bộ trưởng giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Gần 30 năm làm Bộ trưởng Giáo dục (từ năm 1946 đến năm 1975), Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã có những đóng góp quan trọng và quyết định trong xây dựng nền giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Tôn chỉ và tâm huyết của ông trong sự nghiệp xây dựng nền giáo dục được Nguyễn Văn Huyên thể hiện qua bài diễn văn nổi tiếng đọc trong lễ khai giảng năm học đầu tiên của Đại học quốc gia Việt Nam ngày 15/11/1945: "Trong buổi lễ hôm nay, anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn tỏ rõ cho thế giới biết rằng trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hoá của nhân loại..."

"...Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng của Việt Nam. Chúng tôi muốn nó làm một thành luỹ để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ, và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và đã tự gây nên một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái bình dương này."

Có thể nói, trên cương vị của mình, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã cố công lớn trong việc xây dựng nên nền quốc học nhân dân, xóa bỏ được tình trạng 95% dân số mù chữ; tổ chức một mạng lưới trường học trên mọi vùng của miền Bắc, qua đó dựng nên một hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh, giáo dục thế hệ trẻ nước nhà trở thành những người công dân tốt, cán bộ tốt, phục vụ đắc lực công cuộc giải phóng đất nước, thống nhất tổ quốc và xây dựng CNXH ở miền Bắc.

Bên cạnh sự nghiệp giáo dục, Nguyễn Văn Huyên còn là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Từ năm 1944, ông đã công bố cho độc giả, nhất là độc giả phương Tây, biết rằng nhân dân Việt Nam đã phát triển văn hóa của mình đậm đà bản sắc dân tộc, đạt đến đỉnh cao như ông đã đặt tên cho cuốn sách dày 280 trang xuất bản năm đó là “Văn minh Việt Nam”. Nền văn minh này dựa vào một kết cấu xã hội hết sức đặc thù là Nhà - Làng - Nước, tạo nên một sức mạnh tinh thần vô giá về văn hóa, xã hội, con người Việt Nam.

Ông có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng, góp phần khẳng định người Việt Nam có tín ngưỡng riêng của mình, thể hiện qua việc thờ thành hoàng như Phù Đổng, Tản Viên, Chử Đồng Tử… Từ luận án tiến sĩ đến những công trình công bố về sau, khẳng định hướng nghiên cứu của ông là: văn học dân gian, lễ hội truyền thống, kiến trúc dân tộc, địa lý học, lịch sử, cấu trúc giai tầng trong xã hội nông thôn…

Đọc các tác phẩm của ông, các nhà nghiên cứu đều khâm phục, tác giả đã thể hiện một phương pháp khoa học và văn phong mẫu mực. Một đặc trưng mẫu mực nhất là những triết lý nói về cuộc sống của dân tộc Việt Nam, như qua mô tả lễ hội Phù Đổng, ông đã đi đến khái quát rằng: trung, hiếu, thuận, nghịch là nét đặc trưng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta.

Kết luận tổng quát được rút ra từ tất cả các công trình nghiên cứu của ông, đã khẳng định sức sống, của các dân tộc ở nước ta qua sự lao động hết sức sáng tạo của mình, “tự tạo lấy cuộc sống của riêng mình”, “không chịu sao chép”, máy móc của bất kỳ ai.

Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Giáo sư - Tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Văn Huyên, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tên ông được đặt cho một phố chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội.

GS. TS Nguyễn Văn Huyên và các thành tựu nghiên cứu khoa học của ông sẽ mãi còn trong tâm trí và trong các tác phẩm của những người con đất Việt hôm nay và mai sau.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN


Mẹ Suốt - người mẹ anh hùng trên dòng sông Nhật Lệ
Mẹ Suốt - người mẹ anh hùng trên dòng sông Nhật Lệ

Thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới - Quảng Bình) nhỏ bé có con sông Nhật Lệ oằn mình dưới bom đạn, đã in dấu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam với hình ảnh mẹ Suốt, người chèo đò chở bộ đội qua sông, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN