Các tài liệu vừa được giải mật của CIA cho thấy năm 1964, Giám đốc CIA khi đó là ông John McCone đã cảnh báo chính phủ Anh rằng máy bay Concorde quá khó sử dụng và rất nguy hiểm.
Anh bắt đầu theo đuổi chương trình chế tạo máy bay siêu thành Concorde từ năm 1962 và chiếc máy bay này đã cất cánh 7 năm sau đó. Tuy nhiên, đài Sputnik (Nga) dẫn các tài liệu CIA vừa được công khai đưa tin, nếu ngày đó Thủ tướng Anh Alec Douglas-Home lo sợ trước lời cảnh báo của Giám đốc CIA thì những cỗ máy siêu thanh này sẽ không bao giờ được cất cánh.
Cựu Giám đốc CIA John McCone. |
Thư ký riêng của Thủ tướng là ông Burke Trend đã ghi chú vào một tờ giấy những lời cảnh báo của ông McClone rằng chính phủ Anh đã “cố đấm ăn xôi” khi theo đuổi dự án Concorde. Giám đốc CIA cho rằng Anh đã đứng trước "những trở ngại kỹ thuật khó khăn nhất" và chấp nhận những rủi ro quá mức. Vì thế mà Anh tốt hơn hết nên nghe theo lời khuyên và từ bỏ dự án này trước khi quá muộn.
Về phần mình, chính quyền của Thủ tướng Douglas-Home đã bị bối rối bởi lời “đánh động” của cơ quan tình báo Mỹ. Cả ông Douglas-Home và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Thorneycroft đều nghĩ động cơ đằng sau lời cảnh báo của Giám đốc John McCone là “không hoàn toàn rõ ràng” – Mỹ không bao giờ muốn Anh và Pháp đạt được tham vọng quân sự của mình.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của Tổng thống Pháp khi đó Charles de Gaulle. Nhà lãnh đạo này tin chỉ dẫn của Mỹ là một nỗ lực bí mật để ngăn chặn liên minh Anglo-Pháp thách thức sự thống trị của máy bay Mỹ trên bầu trời.
Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn gọi ông McCone đến một cuộc gặp trực tiếp để làm rõ ngọn ngành về những lo ngại của ông. Mặc dù họ lo ngại rằng tiết lộ các chi tiết kỹ thuật của dự án với Mỹ sẽ khiến đối tác Pháp phản đối.
Tại cuộc gặp, Giám đốc CIA McCone tiết lộ rằng Mỹ đang gặp vấn đề với chính máy bay siêu thanh Boeing 2707 của nước này. Cụ thể là các kỹ sư khó có thể giữ nhiệt độ của động cơ máy bay không bị tăng quá cao và đã kết luận rằng quân đội nên xem xét kỹ trước khi sản xuất một chiếc máy bay như vậy phục vụ mục đích dân dụng và thương mại.
Máy bay Concorde 002 hạ cánh xuống sân bay Dallas Fort Worth của Mỹ năm 1973. Ảnh: AFP |
Không chút do dự, Anh và Pháp vẫn tiếp tục dự án máy bay Concorde. Năm 1966, ông John McCone rời khỏi CIA, đồng thời giữ một vị trí trong Hội đồng Chủ tịch dự án máy bay siêu thanh của Mỹ. Năm đó, ông quay lại tòa nhà số 10 phố Downing cùng với những mối lo ngại mới. Bất chấp tất cả, Anh vẫn đẩy mạnh chương trình Concorde cũng như giữ vững niềm tin vào năng lực của các kỹ sư Công ty máy bay Bristol.
Chính phủ Mỹ đã dừng dự án Boeing 2707 vào năm 1971 và trở thành một quốc gia phản đối chương trình sản xuất máy bay siêu thanh với lý do chúng gây ô nhiễm tiếng ồn. Mỹ đã dẫn đầu một liên minh quốc tế chống lại máy bay siêu thanh cùng với Ấn Độ và Malaysia. Kết cục là máy bay Concorde đã bị cấm bay tại một số quốc gia.
Một số nhà quan sát đã cho rằng hành động của Mỹ chính là chủ nghĩa bảo hộ tự thân do nước này không có một đối thủ cạnh tranh với Concorde.
Tháng 4/2003, hãng hàng không Air France của Pháp và British Airways của Anh đã lần lượt thông báo cho Concorde “nghỉ hưu” trong năm đó với lý do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm sau vụ khủng bố 11/9/2001 cùng với chi phí bảo trì tăng cao.
Tại thời điểm “về hưu”, Concorde là loại máy bay cuối cùng của British Airways còn thuê một kỹ sư làm việc trên mỗi chuyến bay. Tất cả các loại máy bay khác đều đã loại bỏ vai trò này.