Người dân Iran biểu tình tại Tehran hô vang khẩu hiệu chống Nhà vua vào ngày 19/12/1978. Ảnh: AP |
Theo Business Insider, cuộc đảo chính này đã tiếp lửa cho lần nổi dậy đỉnh điểm dẫn tới cuộc Cách mạng Iran 1979 và gây căng thẳng mối quan hệ ngoại giao Mỹ - Iran trong thế kỷ 20.
Tập tài liệu dài gần 1.000 trang tiết lộ chi tiết những nỗ lực của CIA trong việc cứu vãn cuộc đảo chính tưởng như đã thất bại, và cuối cùng đã lật ngược thế cờ thành công vào phút chót nhờ một điệp viên không tuân lệnh.
Được biết đến với tên gọi “Chiến dịch Ajax”, kịch bản đảo chính của CIA cuối cùng chỉ là vì dầu mỏ.
Các công ty phương Tây đã có hàng chục năm kiểm soát mỏ dầu trong khu vực, ví dụ công ty dầu Arab-Mỹ tại Saudi Arabia hay công ty dầu Anglo-Iran ở Iran.
Khi công ty Mỹ tại Saudi Arabia phải cúi đầu trước sức ép vào cuối năm 1950 và chấp thuận chia sẻ lợi nhuận từ việc buôn bán dầu với Riyadh, công ty Anh ở Iran cũng chịu sức ép theo bước. Tuy nhiên London đã kiên quyết từ chối. Vào đầu năm 1951, giữa lúc tiếng tăm lẫy lừng, Thủ tướng Iran lúc bấy giờ Mossadegh muốn quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ trong nước.
Kể từ lần đó, Anh bắt đầu thông đồng với tình báo Mỹ dựng kế hoạch lật đổ Thủ tướng Mossadegh.
Nỗ lực đảo chính bắt đầu vào ngày 15/8 nhưng nhanh chóng bị dập tắt. Thủ tướng Mossadeg bắt giữ hàng chục người. Tướng Fazlollah Zahedi – một trong những nhân vật cấp cao âm mưu đảo chính – lẩn trốn, còn nhà vua thì trốn chạy khỏi đất nước.
Lúc đó CIA tin rằng cuộc đảo chính đã thất bại.
Trong bức điện tín ngày 18/8/1953 được gửi từ tổng hành dinh của CIA cho Kermit Roosevelt - người lãnh đạo mạng lưới điệp viên ở Iran, họ viết: “Đã thử chiến dịch và thất bại. Chúng ta không nên tham gia bất kỳ hoạt động nào khác chống lại Mossadegh. Chiến dịch lật đổ Mossadegh nên dừng lại”.
Theo nhà phân tích Malcolm Byrne – Giám đốc Dự án Quan hệ Mỹ - Iran thuộc tổ chức Lưu trữ An ninh Quốc gia của Đại học George Washington, sĩ quan CIA cấp cao Kermit Roosevelt đã phớt lờ bức điện tín.
“Có một người nữa cũng ở cùng phòng với Kermit Roosevelt khi ông ấy nhận được bức điện tín. Ông ấy nói không, chúng ta chưa xong việc tại đây”, chuyên gia Byrne trả lời phỏng vấn tạp chí Foreign Policy.
Quyết định của sĩ quan Roosevelt đã khiến mọi việc đi vào lịch sử. Ngay ngày hôm sau nhận điện tín, với sự hỗ trợ của đám đông mà CIA thuê, cuộc đảo chính thành công. Anh hùng quốc gia Mossadegh bị bắt giam, chế độ quân chủ được thiết lập lại dưới trướng một vị vua thân phương Tây, và công ty dầu mỏ Anglo-Iran – sau này đổi tên thành Tập đoàn Dầu khí Anh – tìm cách lấy lại vùng đất của mình.
Ayatollah Ruhollah Khomeini, giữa, được người ủng hộ vây quanh sau khi trở về nước sau 14 năm bị lưu đày. Ảnh: AP
|
Chiến dịch Ajax không chỉ là một nỗi khiếp sợ với phe bảo thủ tại Iran mà còn đối với người thuộc đảng tự do. Cuộc đảo chính đã làm bùng phát ngọn lửa chống phương Tây, dẫn đến đỉnh điểm năm 1979 với khủng hoảng con tin Mỹ, lật đổ nhà vua cuối cùng và sự hình thành nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Trong một khoàng thời gian dài chính quyền Mỹ luôn phủ nhận việc dính dáng tới cuộc đảo chính 1953.
Năm 1989, Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên công bố tài liệu liên quan tới cuộc đảo chính nhưng sau đó sửa lại và loại bỏ bất kỳ chi tiết nào liên tưởng đến CIA.
Sự giận dữ từ dư luận đã buộc Washington phải cam kết công bố một văn bản đầy đủ hơn và cũng đã có một số tài liệu được công bố trong năm 2013. Cuối cùng, cho tới tuần trước, bản tài liệu giải mật đầy đủ dài gần 1.000 trang được công bố.
Ông Byrne cho biết sự chậm trễ trong việc tiết lộ chi tiết cuộc đảo chính Iran của CIA là do một vài yếu tố. Các cơ quan tình báo luôn quan tâm tới việc bảo vệ “nguồn tin và phương thức” – kỹ năng gián điệp giúp họ hoạt động, cũng như CIA cần phải bảo mật mối quan hệ với tình báo Anh.
Ngoài cung cấp bằng chứng CIA có dính líu tới cuộc đảo chính Iran năm 1953, tài liệu giải mật còn hé lộ chi tiết đáng chú ý về giáo sĩ Hồi giáo Abol Qassem Kashani.
Tại Iran, giáo sĩ luôn là người tốt. Giáo sĩ Kashani từ lâu cũng luôn được coi là một trong những anh hùng dân tộc trong thời kỳ đó. Thậm chí đầu năm nay, lãnh tụ tối cao Iran còn khen ngợi vai trò của giáo sĩ Kashani trong công cuộc quốc hữu hóa ngành dầu mỏ.
Những tưởng cùng chí hướng với cựu Thủ tướng Iran Mossadegh song bản tài liệu lại tiết lộ chính giáo sĩ Kashani là người chống đối ông này và liên hệ mật thiết với người Mỹ trong suốt quá trình dẫn tới đảo chính. Thậm chí ông còn yêu cầu hỗ trợ tài chính từ phía Mỹ. Tuy nhiên đến hiện tại vẫn chưa có bằng chứng cho thấy ông nhận tiền của Mỹ.
Theo nhận định của Giáo sư Abbas Milani nghiên cứu về Iran thuộc Đại học Stanford, vào ngày định mệnh đó, lực lượng của giáo sĩ Kashani tổng động viên đánh bại Mossadegh.