Paul Ambroise Valéry là một nhà thơ, nhà phê bình người Pháp. Nổi tiếng là người cầu toàn trong sáng tác với nhiều ý tưởng táo bạo và nhiều lĩnh vực rộng lớn, ông được coi là một trong những “nhà thơ triết gia” lớn nhất mọi thời đại.
Nhà thơ Paul Ambroise Valéry. |
Valéry sinh ngày 30/10/1871 tại thị trấn Sète (Pháp), trong một gia đình có nguồn gốc quý tộc. Tuổi thơ của Valéry đã gắn liền với thành phố cảng bé nhỏ và êm đềm nằm bên bờ Địa Trung Hải này. Khi đến tuổi đi học, gia đình ông chuyển đến sống ở Montpellier và ở đây, Valéry đã theo học phổ thông và sau đó là Đại học luật Montpellier.
Trong thời gian theo học Đại học Luật Montpellier, Valéry bắt đầu sáng tác thơ. Chịu nhiều ảnh hưởng từ những sáng tác của Stéphane Mallarmé- một trong những nhà thơ lớn theo trường phái tượng trưng, hầu hết những sáng tác của Valéry đều đi vào khám phá nội tâm, diễn đạt những tác động vô hình đến tâm trạng người đọc.
Năm 1892, Valéry chuyển đến sinh sống và làm việc tại Paris. Với khát khao tìm hiểu sâu hơn cách thức vận dụng trí tuệ theo thi hứng, ông đã không sáng tác thơ trong suốt hai mươi năm sau đó.
Bên cạnh công việc của một công chức với yêu cầu mỗi ngày chỉ làm vài giờ, Valéry đã dành thời gian còn lại cho việc nghiên cứu mối liên hệ giữa toán học, triết học với ngôn ngữ thi ca. Tuy nhiên, để duy trì những ý tưởng và các ghi chép của mình, Valéry vẫn có những bài tiểu luận về lịch sử, về nghệ thuật được đăng trên một số báo và tạp chí tại Paris.
Bắt đầu từ năm 1912, Valéry đã thu thập lại những bài thơ trước đây của mình và đến năm 1917, ông đã cho ra mắt tập thơ “La Jeune Parque” (Cô gái trẻ Pác). Đây là một trong những tác phẩm thơ nổi tiếng nhất của ông.
Với hơn 500 dòng thơ lục bát, thâm thúy và ngữ nghĩa nặng về chiều sâu của tư duy, tập thơ đã diễn tả suy nghĩ của một phụ nữ trẻ về cuộc sống và cái chết, về tình yêu và sự ghẻ lạnh.... Tập thơ “Cô gái trẻ Pác” đã đưa Valéry trở thành một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Mặc dù thành công với tác phẩm đầu tay nhưng Valéry không dành toàn bộ thời gian cho việc sáng tác, ông vẫn tập trung cho công việc của mình tại Bộ Chiến tranh và làm biên tập viên cho một hãng tin của Pháp.
Bắt đầu từ những năm 1920, Valéry dành nhiều thời gian hơn cho việc sáng tác thơ và ông đã lần lượt cho ra mắt nhiều tập thơ mang phong cách riêng của mình, đó là: Charmes, Album des vers anciens, Le bois amical...
Với Valéry, thơ không chỉ tập trung tả cảnh, tả tình, thơ còn phải khám phá nội tâm, đi sâu phản ảnh tiếng nói của thâm tâm. Giúp người đọc cảm nhận ngôn ngữ thơ, Valéry đã so sánh thơ với truyện.
Theo quan điểm của Valéry, thơ đối lập với sự mô tả và kể lể. Nhà thơ phải tạo ra một vũ trụ thơ và ý nghĩa không phải là yếu tố chính. Trong khi đối với nhà viết truyện thì ý nghĩa luôn là chính yếu. Nghĩa là làm thơ để cảm chứ không phải để phân tích, thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ.
Valéry từng nói: “Tư tưởng phải tiềm tàng trong câu thơ, như hiệu năng bổ dưỡng trong trái cây”. Ông còn khuyên các nhà thơ phải tỉnh táo, nắm vững lý trí, không nên để cho ngẫu hứng làm mê loạn. Ngâm thơ là sinh hoạt trí tuệ, không đơn thuần diễn đạt rung động của con tim.
“Chúng mình đi như đôi tình nhân sắp cưới
Chỉ một mình trong bãi cỏ đêm xanh
Chúng mình chia nhau cây trái thánh thần
Trăng thân thiết với nỗi niềm ngây dại
Rồi cùng chết trên vùng rêu phủ
Rất xa khơi, đêm dịu dàng vây kín cô đơn
Trong sâu kín và thầm thì riêng rừng ấy”.
Đoạn thơ này được trích trong bài “Cánh rừng thân” (Le bois amical). Muốn nói nỗi cô đơn tuyệt đối, Valéry đã dùng hình tượng cánh rừng, nhiều cây san sát bên nhau nhưng không đồng cảm. Với hình ảnh hai người yêu nhau, sắp cưới nhau mà vẫn cô đơn, dù đi kề bên nhau, bài thơ toát lên một triết lý hoài nghi: sống không dễ hiểu nhau dù cận kề nhau đến chết.
Nhận định về những vần thơ vừa mang tính triết lý sâu xa, vừa mang tính tượng trưng, một nhà phê bình văn học người Pháp từng nói “Valéry đã khai sinh cho thơ triết lý, thơ đa cảm của phái lãng mạn, cũng như thơ vô tình của phái Thi Sơn. Sau 900 năm lịch sử văn hoá Pháp, Valéry đã quan niệm thơ rất độc đáo, khác với tất cả những người đi trước và phần đông lớp đi sau”.
Valéry mất ngày 20/7/1945, tại Paris. |
Sau khi được bầu vào Viện hàn lâm Pháp năm 1925, Valéry dành nhiều thời gian đi khắp châu Âu để giảng về những vấn đề văn hóa và xã hội. Ông cũng tham gia viết nhiều tiểu luận về thơ ca, hội họa và khiêu vũ và được đăng trên nhiều tạp chí thời bấy giờ.
Năm 1931, Valéry tham gia sáng lập trường Cao đẳng quốc tế Cannes, chuyên giảng dạy, giới thiệu ngôn ngữ và văn minh Pháp. Ngoài ra, ông còn là thành viên của một số viện hàn lâm và các tổ chức nghiên cứu khác ở châu Âu.
Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nước Pháp bị chiếm đóng, chính quyền Vichy đã tước bỏ một số quyền lợi của Valéry do ông đã từ chối tham gia cộng tác. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục xuất bản một số tác phẩm có tác động tốt đến đời sống văn hóa của người dân Pháp thời kỳ này.
Với những đóng góp lớn cho nền văn học Pháp, Valéry được coi là một trong những nhà thơ tượng trưng lớn nhất nước Pháp. Và mặc dù những “bài thơ triết học” của Paul Ambroise Valéry thường được coi là khó hiểu, cả về cấu trúc lẫn nội dung, nhưng ông vẫn được xem là một trong những “bộ não” thông minh nhất của nền văn học Pháp.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN