Mỹ và Liên Xô từng có âm mưu phá hủy một phần Mặt Trăng. |
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc năm 1945, Liên Xô và Mỹ đã dành hàng chục năm để tìm cách chứng minh sức mạnh quân sự trước thế giới. Hai cường quốc bắt đầu lao vào cuộc chạy đua vũ trang mới, dành nhiều công sức thời gian để phát triển các loại vũ khí lớn mạnh nhất.
Khi cuộc chạy đua vũ trang biến chuyển thành chạy đua không gian, hai quốc gia chuyển hướng mục tiêu sang Mặt Trăng và sử dụng nó như một phần trong kế hoạch tăng cường sức ảnh hưởng ở bên ngoài bầu khí quyển Trái Đất.
Theo tờ New York Post, tài liệu quân sự mới được giải mật cho thấy hai cường quốc đã âm mưu các kế hoạch khủng khiếp nhằm phá hủy một phần của Mặt Trăng bằng một vụ tấn công hạt nhân.
Dự án có mã hiệu A119 được Lực lượng Không quân Mỹ phát triển năm 1958 vạch sẵn kế hoạch nước Mỹ làm thế nào để chứng minh sức mạnh. Nhà vật lý Leonard Reiffel chịu trách nhiệm về dự án trên, với việc triển khai kế hoạch làm phát nổ một đầu đạn hạt nhân trên Mặt Trăng. Theo dự án, đội ngũ chuyên gia vật lý và quân sự của Mỹ sẽ làm nổ tung một đầu đạn có kích thước như quả bom nguyên tử dội xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Trong lúc đó, đội ngũ nghiên cứu tin rằng đầu đạn hạt nhân của quân đội Mỹ có thể dễ dàng đánh trúng mục tiêu trên Mặt Trăng với độ chính xác lên tới 3 km.
Tuy nhiên, đến tháng 1/1959, các tướng lĩnh quân đội Mỹ cho rằng dự án này sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía dư luận cũng như nguy cơ thất bại khi phóng đầu đạn hạt nhân lên Mặt Trăng là quá lớn. Với lý do đó, các nhà lãnh đạo Mỹ đã chuyển hướng, tập trung đưa con người thay vì đưa vũ khí lên không gian.
Cùng thời gian đó, Liên Xô cũng phát triển một dự án riêng với mã hiệu E-4. Kế hoạch này cũng bao gồm việc tấn công Mặt Trăng với một tên lửa đầu đạn hạt nhân, mặc dù kịch bản này cũng phải đối mặt với một loạt nguy cơ và khó khăn mà kế hoạch bí mật của Mỹ gặp phải.