Theo hãng tin RIA Novosi (Nga), chiếc Tu-154 chở 84 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn đã biến mất khỏi màn hình radar ngay sau khi cất cánh từ sân bay Adler gần thành phố nghỉ mát Sochi (Nga) bên bờ Biển Đen.
Theo một nguồn tin của Hãng thông tấn TASS (Nga), chiếc Tu-154 cất cánh từ Moskva trong hành trình tới căn cứ quân sự Hmeymim của Nga ở thành phố Latakia (Syria) để tham gia buổi hòa nhạc đón Năm mới cùng các binh sĩ Nga. Trong khi đó, đài phát thanh Sputnik (Nga) cho biết thêm rằng chiếc máy bay này đã được bảo dưỡng định kỳ hồi tháng 9 vừa qua và được điều khiển bởi một phi công giàu kinh nghiệm.
Xác máy bay Tu-154 chở Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski gặp nạn. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tu-154 là loại máy bay do Nga sản xuất và đã được sử dụng làm phương tiện vận tải hàng không phổ biến trong thời kỳ Liên bang Xô viết và cả thời kỳ hậu Xô viết. Chiếc máy bay đầu tiên của model này đã được đưa vào sử dụng từ năm 1972 và đến năm 1986 được cải tiến với động cơ mới để cải thiện mức tiêu thụ nhiên liệu. Với 3 động cơ được lắp đặt phía sau, Tu-154 được sánh ngang với Boeing-727 khi có thể bay 4.000 km và chở từ 155 đến 180 hành khách với tốc độ hành trình 850km/h.
Có những điểm nổi trội như có độ bền cao, động cơ khỏe đã được kiểm nghiệm ở hầu hết các đường băng và các điều kiện hạ cánh, song Tu-154 vẫn rất dễ bị đánh giá sai về chất lượng. Trong vài năm trở lại đây, hầu hết các hãng hàng không đã không sử dụng loại máy bay này. Tuy nhiên, Tu-154 vẫn được sử dụng trong quân đội Nga, chủ yếu phục vụ việc chuyên chở các khách VIP (như quan chức quân sự và nhà báo) di chuyển từ Moskva đến Syria.
Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc máy bay đặc biệt này được sản xuất từ năm 1983 và đã có 6.9 giờ bay. Lần sửa chữa cuối cùng của chiếc Tu-154 là vào ngày 29/12/2014 và bảo dưỡng định kỳ vào tháng 9/2016. Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga thì Roman Volkov cũng được coi là "phi công hạng nhất" với hơn 3.000 giờ bay. Theo báo giới Nga, mọi nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn đang được xem xét, nhưng các nhà điều tra không tin rằng vụ này do khủng bố gây ra.
Máy bay Tu-154 bốc cháy tại sân bay Surgut (Nga) ngày 1/1/2011. |
Thực tế cho thấy loại máy bay Tu-154 cũng liên quan đến hàng loạt vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhưng chủ yếu là do điều kiện thời tiết.
Ngày 4/12/2014, chiếc máy bay chở khách Tu-154 đã bị vỡ một phần sau khi trượt khỏi đường băng ở sân bay Domodedovo (Moskva) khiến 2 người bị thiệt mạng.
Ngày 1/1/2011, chiếc máy bay mang số hiệu Tu-154B của một hãng hàng không thương mại cũng đã bị bốc cháy sau khi cất cánh từ một sân bay của Nga khiến 3 người bị thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương.
Ngày 10/4/2010, chiếc Tu-154 chở Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski và các quan chức cấp cao đã gặp nạn do sương mù ở khu vực gần thành phố Smolensk (Nga) khiến 96 người bị thiệt mạng.
Vào tháng 7/2009, chiếc Tu-154 thuộc Hãng hàng không Caspian Airlines (Iran) đã bị rơi ở phía Bắc nước này khiến 1 người bị thiệt mạng.
Tháng 8/2006, một chiếc khác cũng đã bị tai nạn tại Ukraine khi cố gắng di chuyển vượt qua cơn bão khiến 170 người thiệt mạng.
Tháng 2/2012, một chiếc Tu-154 trong chặng nội địa của Iran cũng đã bị tai nạn ở khu vực Tây Nam nước này khiến 117 người thiệt mạng.
Các vụ tai nạn khác có liên quan đến loại máy bay Tu-154 cũng đã xảy ra ở Nga vào tháng 7/2001 tại Siberian khiến 145 người thiệt mạng và tháng 8/1996 với 141 người thiệt mạng ở đảo Norwegian.