Không phải là kỹ sư, cũng chẳng phải nhà tài chính, song không ai có thể nghĩ ông lại là người thực hiện và thực hiện được công việc vĩ đại là khơi thông con kênh đào Suez, tuyến đường biển ngắn nhất nối liền lục địa Á-Âu mà không phải qua châu Phi và được ví như động mạch của nền kinh tế thế giới. Ông là Ferdinand de Lesseps. Ông sinh vào ngày này cách đây 209 năm, ngày 19/11/1805. Tàu CMA CGM đi qua kênh Suez khu vực cảng Ismailia, cách thủ đô Cairo (Ai Cập) 120km về phía đông bắc ngày 2/12/2012. Ảnh: AFP-TTXVN |
Ferdinand de Lesseps sinh tại Versailles trong một gia đình có truyền thống làm chính khách ngoại giao của nước Pháp. Nối nghiệp gia đình, đến tuổi trưởng thành, Ferdinand De Lesseps lại trở thành một nhà ngoại giao.
Việc trở thành một nhà ngoại giao đã giúp Ferdinand De Lesseps có cơ hội được công tác ở nhiều nước trên thế giới như Bồ Đào Nha, Tunisia, Ai Cập, Algérie, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy… Và thời gian ông được cử giữ chức Lãnh sự Pháp tại Ai Cập đã có ảnh hưởng lớn đến công trình xây dựng con kênh đào Suez của ông sau này.
Chính ông là người đã khơi lại ý tưởng chiến lược của Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte về việc xây dựng một con kênh nhân tạo nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Từ cuối thế kỉ XVIII, khi chinh phục Ai Cập, Napoleon Bonaparte đã cho tiến hành các nghiên cứu về việc xây dựng một con kênh nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ, tuy nhiên dự án này sau đó đã bị gác lại vì Napoleon phải quay trở về Pháp.
Sau khi khơi lại ý tưởng xây dựng kênh đào Suez, Ferdinand De Lesseps đã tiến hành một công trình nghiên cứu khảo sát vào năm 1846 và khẳng định mực nước giữa Địa Trung Hải và Biển Đỏ không chênh nhau, nên việc xây dựng một con kênh nhân tạo là một phương án khả thi.
Chân dung ông Ferdinand de Lesseps. |
Sau đó, bằng tài ngoại giao của mình, Lesseps đã thuyết phục được chính quyền Ai Cập cấp phép xây dựng vào năm 1856. Tháng 4/1859, Pháp chính thức tiến hành xây dựng kênh đào Suez. Trải qua 10 năm xây dựng gian nan, vất vả với sự tham gia của hơn 2,4 triệu công nhân Ai Cập, trong đó 125.000 người đã thiệt mạng, tháng 11/1869, kênh đào Suez chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động.
Kênh đào Suez, nằm ở phía Tây Ai Cập, có chiều dài 163km, sâu 17m, rộng 150m, nối liền thành phố cảng Port Said trên bờ Địa Trung Hải và thành phố cảng Suez trên bờ Biển Đỏ. Khi đi vào hoạt động, kênh đào Suez có vai trò rất quan trọng. Nó đã góp phần rút ngắn tuyến đường biển cho những con tàu (dưới 150.000 tấn) đi từ Đại Tây Dương qua Địa Trung Hải đến Biển Đỏ rồi qua Ấn Độ Dương hay ngược lại. Cũng nhờ có kênh đào Suez, con đường biển từ London (Anh) tới Mumbai (Ấn Độ) đã rút ngắn được gần 12.000km.
Kênh đào Suez nhanh chóng có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền giao thương thế giới. Cho đến nay, nó vẫn là huyết mạch sống còn của tuyến lưu thông hàng hóa từ Đông sang Tây, đặc biệt là vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông đến các nền kinh tế phát triển.
Mỗi năm có khoảng gần 19.000 tàu, chuyên chở khoảng 700 triệu tấn hàng hóa các loại đi qua kênh đào này. Hơn thế, kênh đào Suez còn có vai trò chiến lược về an ninh trong khu vực Trung Đông. Nhờ lợi ích mà kênh đào Suez mang lại mà Ai Cập nhận được sự hỗ trợ của Mỹ và luôn được Mỹ xem như “hòn đá tảng” trong chính sách Trung Đông của Mỹ.
Tiếp nối thành công của kênh đào Suez, Ferdinand De Lesseps tiếp tục lên kế hoạch cho việc xây dựng kênh đào Panama - con kênh giữ vai trò huyết mạch nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Năm 1880, công ty của Lesseps khởi công công trình xây dựng con kênh đào giữa hai bờ đại dương ở Panama.
Tuy nhiên những kinh nghiệm và sự tài giỏi của các kỹ sư Pháp được thử thách ở kênh đào Suez đã không giúp họ vượt qua được những điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Panama. Bệnh tật và sự yếu kém trong điều hành dự án đã khiến cho công ty của Lesseps phá sản vào năm 1889.
Những nỗ lực sau đó của người Pháp nhằm duy trì việc xây dựng kênh đào Panama đều thất bại do thiếu kinh phí, vì thế người Pháp đã phải bán dự án cùng trang thiết bị xây dựng cho người Mỹ.
Tàu hàng đi qua kênh đào Panama. |
Tuy không thành công với kênh đào Panama, nhưng những khảo sát của Lesseps vẫn được người Mỹ dùng làm cơ sở để hoàn tất công trình kênh đào Panama vào đầu thế kỷ XX. Kênh đào Panama được coi là một cuộc cách mạng trong giao thông đường biển của thế giới. Nhờ có "công trình thế kỷ" này, tàu chở hàng không phải đi qua Nam Mỹ và mũi Kap Hoon nguy hiểm, rút ngắn đường đi giữa hai đại dương.
Lesseps qua đời vào ngày 7/12/1894. Năm năm sau, để tỏ lòng tôn kính đối với một trong những thiên tài sáng tạo của thế kỷ XIX, một bức tượng hoành tráng của ông đã được xây dựng ngay ở lối vào của con kênh đào Suez. Tuy nhiên, đến cuối năm 1956, sau khi Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào Suez, bức tượng đã được gỡ bỏ, tượng trưng cho sự kết thúc quyền sở hữu kênh đào này của người châu Âu. Bức tượng được chuyển đến cảng Fouad.
Đến nay không ai có thể phủ nhận rằng sự ra đời của kênh đào Suez đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển giao thương không chỉ của Ai Cập mà của toàn thế giới. Không những thế, nó còn là biểu tượng của những tiến bộ khoa học thế giới vào cuối thế kỷ XIX.
Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN