Ảnh minh hoạ - Hàng chục nguồn tin lần lượt biến mất, việc thu thập thông tin tình báo Mỹ tại Trung Quốc đã bị tê liệt trong nhiều năm. |
Một số quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ đã mô tả đây là một trong những vụ bại lộ tình báo tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Nó đã khiến các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật ở Washington “nháo nhào” tìm cách kiểm soát một cuộc sụp đổ lớn, trong khi các nhà điều tra thì còn nhiều chia rẽ trong việc xác định nguyên nhân sự vụ. Một số người tin rằng, một mắt xích trong CIA đã phản bội Mỹ. Số khác thì cho rằng, người Trung Quốc đã “hack” được hệ thống vỏ bọc mà CIA dùng để liên lạc với các nguồn tin ở nước ngoài. Những năm sau đó, cuộc tranh cãi này vẫn chưa ngã ngũ.
Tuy nhiên, những thiệt hại trong vụ việc thì không có gì tranh cãi. Theo các quan chức Mỹ, thời gian từ những tuần cuối cùng của năm 2010 cho đến cuối năm 2012, Trung Quốc đã xử tử ít nhất 12 nguồn tin của CIA. Theo 3 vị quan chức Mỹ giấu tên, một người đã bị bắn ngay trước mắt các đồng nghiệp của anh ta, thay lời cảnh cáo với những người khác có thể đang làm việc cho CIA.
Hai cựu quan chức Mỹ khác cho New York Times biết, tổng cộng số nguồn tin CIA tại Trung Quốc bị giết hoặc cầm tù lên tới 18-20 người, đủ để “bóc trần” một mạng lưới mà CIA đã mất nhiều năm để gây dựng.
Số lượng "tài sản" (chỉ những nguồn tin hữu dụng) bị "thất lạc" (tức bị thủ tiêu) tại Trung Quốc có thể so sánh với những tổn thất của Mỹ ở Liên Xô và Nga trong vụ hai cựu điệp viên CIA và FBI là Aldrich Ames và Robert Hanssen phản bội (những người này đã tiết lộ các chiến dịch tình báo của Mỹ tại Moskva trong nhiều năm).
Cũng theo New York Times, những tình tiết chưa từng được báo cáo cho thấy Trung Quốc đã thành công ra sao trong việc cắt đứt nỗ lực do thám của Mỹ cũng như đánh cắp các bí mật từ nhiều năm trước thời điểm cuộc xâm nhập của gián điệp Mỹ bị Trung Quốc công khai vào năm 2015. Bắc Kinh đã tiếp cận được hàng ngàn tài liệu về nhân sự chính phủ Mỹ, bao gồm cả các nhà thầu tình báo.
Những thông tin nói trên được New York Times tiết lộ vào thời điểm khi CIA đang tìm cách truy ra xem làm thế nào mà một số tài liệu nhạy cảm nhất của họ đã bị rò rỉ lên mạng internet hai tháng trước đây bởi trang WikiLeaks, trong khi FBI thì điều tra nghi vấn mối liên quan giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga. Cả CIA và FBI hiện đều từ chối đưa ra bình luận về tiết lộ của tờ báo. Bắc Kinh cũng chưa đưa ra phản hồi chính thức nào.
Cảnh sát Trung Quốc canh gác bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP |
New York Times đã điều tra về vụ việc thông qua tiếp xúc với 10 quan chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu của Mỹ yêu cầu giấu tên.
Theo lời kể của họ, những dấu hiệu đầu tiên của vụ bại lộ gián điệp Mỹ tại Trung Quốc đã xuất hiện từ năm 2010. Thời điểm đó, chất lượng nguồn tin của CIA về vòng trong của chính phủ Trung Quốc đang là tốt nhất trong nhiều năm, nhờ việc chiêu mộ được những nguồn tin nằm sâu trong chính quyền ở Bắc Kinh. Một số nguồn tin là công dân Trung Quốc mà CIA tin là bất mãn với nạn tham nhũng trong chính quyền.
Nhưng đến cuối năm, luồng thông tin gửi về bỗng dưng ít dần. Đầu năm 2011, các quan chức cấp cao CIA nhận thấy một vấn đề: Các “tài sản” tại Trung Quốc, một trong những tài nguyên quý giá nhất của họ, đang dần "biến mất".
FBI và CIA bắt đầu mở cuộc điều tra chung, được lãnh đạo bởi các quan chức phản gián hàng đầu của cả hai cơ quan này. Trong một văn phòng bí mật ở Northern Virginia, họ bắt đầu phân tích từng chiến dịch đang diễn ra ở Bắc Kinh. Một cựu quan chức Mỹ cho biết, cuộc điều tra được đặt mật danh là "Mật ong Badger".
Khi ngày càng có thêm nhiều người cấp tin biến mất khó hiểu, cuộc điều tra càng cấp bách hơn. Gần như tất cả các nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc đều bị nhắm tới, bất kể họ giữ chức vụ cao hay thấp. Một số nhà điều tra tin rằng, Trung Quốc đã phá vỡ phương thức mã hoá mà CIA sử dụng để liên lạc với các “tài sản”, còn số khác nghi ngờ có kẻ phản bội trong CIA, một giả thuyết mà ban đầu giới chức CIA chưa thừa nhận.
Cuộc tranh cãi về nguyên nhân bại lộ của nhóm điều tra có lúc đã bị gián đoạn bởi những cuộc gọi khẩn báo về: “Chúng ta lại mất thêm một người nữa", trong khi chính quyền Tổng thống Obama thì liên tiếp truy hỏi tại sao thông tin tình báo về Trung Quốc bỗng đình trệ.
Một số đặc vụ FBI nhận định rằng, có thể việc những người cấp tin cho CIA ở Bắc Kinh thường xuyên di chuyển cùng những tuyến đường đến điểm gặp, đã giúp tình báo Trung Quốc lần ra họ. Một số người báo tin gặp gỡ quan chức Mỹ tại một nhà hàng nơi đặc vụ Trung Quốc đã cài thiết bị nghe trộm, thậm chí còn đóng giả làm bồi bàn.
Những sự bất cẩn này, cộng với khả năng Trung Quốc đã “hack” được kênh liên lạc viễn thông, có thể lý giải nhiều, chứ không phải tất cả, sự biến mất và cái chết của những người cấp tin. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tóm thêm các gián điệp CIA, và chiến dịch này của họ kéo dài qua năm 2011, sang 2012.
Khi cuộc điều tra chung của CIA và FBI thu hẹp dần bản danh sách những kẻ tình nghi phản bội, họ bắt đầu chú ý đến một người Mỹ gốc Trung, đã rời bộ phận CIA chuyên giám sát Trung Quốc một thời gian ngắn trước khi các tổn thất tình báo diễn ra. Các nhà điều tra tin rằng người này đã quay sang làm gián điệp cho Trung Quốc.
Sau khi rời CIA, người đàn ông trên quyết định ở lại một nước châu Á cùng gia đình và theo đuổi cơ hội kinh doanh, nhưng đây được cho là vỏ bọc mà tình báo Trung Quốc đã tạo ra cho anh ta.
FBI và CIA đã tìm cách lừa người này về Mỹ vào năm 2012 với lời hứa hẹn một hợp đồng mới. Tại Mỹ họ thẩm vấn anh ta, nhưng cuối cùng các nhà điều tra không thu thập đủ bằng chứng để bắt giữ đối tượng. Người đàn ông bị nghi ngờ phản bội CIA sau đó trở lại châu Á và hiện vẫn đang sống tại đây.