Ban tổ chức trao giải Nhì cho tiến sĩ Lê Hải Đăng. |
Đây là lần đầu tiên lễ trao giải thưởng được tổ chức tại Yên Mô, Ninh Bình - quê hương của danh nhân Phạm Thận Duật, sau 17 lần được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Danh nhân Phạm Thận Duật là nhà sử học, nhà văn hóa lớn, sĩ phu yêu nước của thế kỷ XIX, tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo. Ông sinh ngày 4/11/1825 ở làng Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông mất ngày 29/11/1885 trên đường bị thực dân Pháp bắt đi đày từ Côn Đảo đến đảo Tahiti.
Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 18 được trao cho 3 tiến sĩ
gồm: Tiến sĩ Lê Hải Đăng với luận án "Khảo cổ học thời đại đá ở khu vực
thượng du sông Đà"; Tiến sĩ Dương Thanh Mừng, luận án "Phong trào chấn
hưng phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932 - 1951)" và Tiến sĩ Nguyễn
Xuân Hùng, luận án "Quá trình truyền giáo của đạo Tin lành tại Việt Nam
từ năm 1911 đến năm 1975".
Ban tổ chức trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. |
Dịp này, Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã trao 11 suất quà tặng các học sinh của huyện Yên Mô đạt giải cao tại các kỳ thi quốc gia cùng 30 suất học bổng trị giá 1,5 triệu đồng/suất cho các học sinh địa phương có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi.
Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật ra đời từ năm 2000 với mục đích góp phần động viên, khuyến khích các tài năng sử học, vinh danh các tiến sĩ sử học xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành khoa học lịch sử nước nhà. Được tổ chức hàng năm, giải được trao cho các tiến sĩ có luận án sử học xuất sắc trong cả nước. Qua 17 lần trao giải, Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã trao 92 giải, gồm: 8 giải nhất, giải nhì, 46 giải ba cho những công trình nghiên cứu xuất sắc trong bộ môn lịch sử. |