Chuẩn bị cho công cuộc hội nhập
Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tác động đến toàn bộ đời sống con người cả về công việc, giải trí, kết nối thông tin. Theo đó, cuộc cách mạng này mang lại nhiều lợi ích lâu dài về hiệu quả, năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Cùng với xu hướng toàn cầu, Việt Nam đã, đang chuẩn bị các điều kiện để khai thác, tận dụng các lợi ích của cuộc cách mạng 4.0. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, giáo dục nghề nghiệp là một trong những lĩnh vực được quan tâm, đổi mới.
Mới đây, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có yêu cầu: Phát triển mạnh đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho chuyển đổi công việc. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng để chuyển đổi công việc.
Ngày 4/5/2017, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chỉ thị giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố từ Trung ương đến địa phương "đổi mới đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác và vận hành hiệu quả, những tiến bộ công nghệ của cách mạng công nghiệp thứ 4; nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới cơ cấu thị trường lao động, an sinh xã hội"...
Thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về hội nhập quốc tế, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống các trường chất lượng cao, quy hoạch nghề trọng điểm. Theo đó, từ năm 2014, cả nước đã có 45 trường được lựa chọn để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ thành trường chất lượng cao vào năm 2020. Đồng thời, Bộ đã ban hành Quy hoạch nghề trọng điểm, gồm 62 ngành, nghề được quy hoạch trọng điểm cấp độ quốc tế, 93 ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN, 134 nghề cấp độ quốc gia; ban hành Thông tư quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, cao đẳng...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang triển khai thí điểm đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc và Cộng hòa Liên bang Đức cho khoảng 2.000 sinh viên, để khi tốt nghiệp ra trường sinh viên sẽ được cấp hai bằng: Cao đẳng của Việt Nam và bằng của Úc hoặc của Đức. Người học ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu để tham gia thị trường lao động trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế hoặc có thể học liên thông lên trình độ đại học tại hệ thống các trường đại học của Úc, Cộng hòa Liên bang Đức.
Bên cạnh đó, Bộ còn phối hợp với chuyên gia, các tổ chức quốc tế thí điểm xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận năng lực theo tiêu chuẩn của Pháp, Bỉ, Hàn Quốc; thí điểm đào tạo theo mô hình “đào tạo nghề kép” của Đức, Thụy Sỹ...
Nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Cường nhận định: Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể dẫn tới sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực cũng như có thể tạo ra nhiều việc làm mới. Để thích ứng trong cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu về lao động có sự thay đổi rõ rệt, lao động tri thức, lao động chất lượng cao sẽ thay thế cho lao động phổ thông, giá rẻ, năng suất thấp.
Đối với Việt Nam, thị trường lao động sẽ gặp nhiều thách thức, như: Sự gia tăng sức ép về vấn đề giải quyết việc làm, sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm; nguy cơ dư thừa lao động có kỹ năng, trình độ thấp... Ngay cả các lao động có kỹ năng bậc trung vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu như chậm trang bị kiến thức mới. Vì vậy, người lao động phải không ngừng nâng cao năng lực, kỹ năng để thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu như không muốn bị loại khỏi thị trường lao động...
Phân tích về thuận lợi, khó khăn của lao động Việt Nam trong bối cảnh mới, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho biết: Thuận lợi trong giáo dục nghề nghiệp, đó là tạo ra nhiều cơ hội trong việc hợp tác lẫn nhau; cơ hội học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ; có thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài. Người học có nhiều cơ hội hơn trong học tập, tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến, văn bằng, chứng chỉ được công nhận ở các nước trong khu vực và thế giới, dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm việc làm.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn để phát triển, hội nhập cũng mang đến những khó khăn, thách thức rất lớn cho Việt Nam, như tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực cao do di chuyển lao động trong khu vực sẽ tạo nên cạnh tranh lành mạnh nhưng gay gắt. Nhân lực có trình độ cao trong khu vực ASEAN sẽ tự do di chuyển đến Việt Nam do nước ta đang thiếu hụt lực lượng lao động này, dẫn đến vấn đề dư thừa lao động có kỹ năng, trình độ thấp, gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, đất nước đang dần mất đi lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ và chi phí lao động thấp, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng mặc dù có một số tiến bộ nhất định trong thời gian gần đây nhưng hiện trạng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam vẫn đứng trước thách thức của hai thiếu hụt quan trọng. Một là thiếu hụt kỹ năng của người lao động so với yêu cầu của doanh nghiệp; hai là thiếu hụt người lao động có kỹ năng trước những việc làm mới, nhiệm vụ mới nảy sinh từ tiến trình hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
Xác định các ngành nghề mũi nhọn
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến phân tích: Thế giới việc làm 4.0 là thế giới việc làm trong đó con người cạnh tranh với robot trong một môi trường làm việc số hóa, tự động hóa. Để cạnh tranh được, người lao động không thể chỉ có các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể, còn phải có những kỹ năng rộng hơn, bao gồm các kỹ năng nền tảng tương đối rộng để ứng phó với sự thay đổi và những kỹ năng làm người (human skills) không thể thuật toán hóa, như giao tiếp, hợp tác, tư duy phê phán, sáng tạo, hiếu kỳ, kiên trì, bao dung. Điều đó bắt buộc giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới.
Trước mắt, phải tái kỹ năng, nâng cao kỹ năng lực lượng lao động hiện có để đáp ứng những đòi hỏi về kỹ năng mới đang diễn ra ở mọi khâu của quá trình sản xuất, từ khâu lập kế hoạch, chuẩn bị nơi làm việc, đến vận hành thiết bị, giám sát quá trình, bảo đảm an toàn... Về lâu dài, cần đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp, hướng tới mô hình mới gọi là giáo dục nghề nghiệp 4.0. Đó là mô hình giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, liên thông, với mục đích cung cấp cho người học những năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm 4.0, tạo điều kiện để người lao động thuận lợi, dễ dàng đến với giáo dục nghề nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng, theo điều kiện cụ thể, nhu cầu, nguyện vọng, sở thích cá nhân.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội PGs Ts Lê Quân nêu rõ: Sự phát triển nguồn nhân lực không thể tách rời, có quan hệ hữu cơ với sự phát triển kinh tế. Nói cách khác, chiến lược phát triển kinh tế sẽ dẫn dắt chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Ngược lại, thực trạng nguồn nhân lực sẽ hỗ trợ hoạch định chiến lược phát triển kinh tế.
Để giải quyết khó khăn trong liên kết quy hoạch, dự báo và đào tạo, Thứ trưởng cho rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường gắn kết với doanh nghiệp; bởi. chỉ có doanh nghiệp mới định hướng đúng nhất về công nghệ, yêu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với đội ngũ lao động để bảo đảm doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Để làm được điều này, cần xây dựng các hội đồng kỹ năng ngành với sự tham gia của doanh nghiệp nhằm hoạch định chính sách vĩ mô, dự báo lao động, việc làm, xác định các tiêu chuẩn ngành… Doanh nghiệp phải tham gia mạnh mẽ vào việc phát triển chương trình, thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo và đào tạo gắn kết chặt chẽ với tạo việc làm. Bên cạnh đó, cần xác định các ngành nghề mũi nhọn phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0 như: AI, phân tích dữ liệu, thiết kế…, nghiên cứu công tác quy hoạch, dự báo về việc làm, về nguồn nhân lực dựa trên thực trạng kinh tế trong từng giai đoạn.
Để tăng cường kỹ năng nghề cho lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội tiếp cận đối với mọi người dân, phục vụ học tập suốt đời, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội. Các giải pháp đột phá được đặt ra là: Tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; tăng cường mối kết hợp với doanh nghiệp ở tất cả các cấp độ - Thứ trưởng Lê Quân nêu rõ.