Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh phổ thông trên cả nước phải học online trong thời gian dài. Nhịp sinh hoạt thay đổi, áp lực học tập, mối quan hệ gia đình và những tác động hormone về giới đã khiến những bất ổn tiềm tàng trở nên bùng phát. Nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra.
Khi tuổi teen tìm cách tự “giải thoát" áp lực
Tôi gặp T.K, học lớp 7 của một trường THCS công lập có tiếng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khi em vừa vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của việc điều trị tâm lý. Chuyện bắt đầu khi T.K nhận được kết quả bài kiểm tra môn Toán 2 điểm và yêu cầu của cô giáo là có chữ ký của bố hoặc mẹ bên dưới. Đây là kết quả sau một thời gian dài học online. T.K tâm sự: “Lúc đó em cảm thấy rất áp lực. Cảm giác cả em và mẹ bị tổn thương. Em đã khóc rất nhiều”.
Tuy nhiên, điểm 2 môn Toán cũng chỉ là giọt nước tràn ly cho những cảm xúc của T.K bị dồn nén lâu ngày. T.K kể, em đã ở trong tình trạng bị miệt thị về ngoại hình từ những người xung quanh.
“Việc bị miệt thị ngoại hình là những gì rất phổ biến hiện nay nhưng em đã không nói gì. Cho đến khi, bạn bè xung quanh buông những từ rất quá đáng như “Mày béo như con lợn”, “Con lợn xuất hiện kìa!”... Những lời tương tự như thế như là sắt đâm vào tim em", T.K nói trong nước mắt.
Vẫn chưa dừng lại ở đó, người bạn mà T.K tin tưởng nhất, thân nhất “nghỉ chơi” với em. Những dòng tin mà T.K nhắn tin cho bạn bị chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội và là trò đùa mỗi khi T.K xuất hiện trên lớp khiến em rơi vào tình trạng căng thẳng triền miên.
Khi tôi hỏi, những căng thẳng này em có tìm đến với bố mẹ không? T.K nói: “Dù chia sẻ với bố mẹ nhưng điều em nhận lại chỉ một chữ “kệ”, T.K nói”. Đến đây T.K khóc không ngừng.
Cô Nguyễn Ngân, giáo viên tư vấn tâm lý của T.K liên tục trấn an T.K và cho biết: “Con sẽ không kiểm soát hành vi khi nhắc đến bố mẹ”. Trong lúc bị tổn thương và hoang mang nhất T.K quyết định đến phòng tâm lý của trường để giãi bày những căng thẳng đang gặp phải. T.K cho biết: “Lúc bước đến phòng tâm lý, em nghĩ “bây giờ hoặc không bao giờ" và đó là quyết định đúng khi giờ đây mỗi ngày em trở nên đặc biệt hơn. Mỗi ngày thức đậy em đều được muốn đến trường hơn".
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ học sinh cần tư vấn tâm lý gia tăng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ dịch bệnh COVID-19. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi và gây ra những ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại đối với tất cả các lĩnh vực trong đó có ngành Giáo dục và với học sinh sinh viên. Giãn cách xã hội; suy giảm thiệt hại kinh tế, bố mẹ mất việc làm, không có thu nhập; sự gián đoạn đối với các thói quen trước đây, thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, học sinh sinh viên không được đến trường học tập trực tiếp một thời gian dài, làm ngắt quãng mối quan hệ bạn bè, thầy cô... là những yếu tố rủi ro xảy ra trong thời kì COVID-19, đặc biệt dẫn đến những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của nhiều học sinh”.
M.M là một học sinh cấp II một trường ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Em vừa được người hàng xóm giữ lại khi có ý định nhảy lầu. Là một học sinh giỏi, chăm ngoan nhưng hai năm qua M.M học hành sa sút. Thời gian học online kéo dài, M.M luôn trong tình trạng bị bố mẹ so sánh với người em có thành tích suất sắc.
M.M chia sẻ: “Em cảm thấy mình bị bỏ rơi trong gia đình khi ai cũng quan tâm đến em gái. Bố mẹ thường buông những lời miệt thị khiến em rất căng thẳng. Em cảm thấy bị bỏ rơi và cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Em bắt đầu nghĩ đến cái chết và tìm hiểu cách để chết trên mạng internet. Ban đầu em uống vài viên thuốc, thử rạch tay và có khi là viết thư tuyệt mệnh chỉ để… được bố mẹ quan tâm hơn. Nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi đâu vẫn vào đấy”.
Nhiều lần M.M có ý định nhảy lầu cho đến khi gần đây, hiệu ứng “giải thoát bằng nhảy lầu” khiến M.M như thêm quyết tâm. Trong lúc tìm đến sự “giải thoát" đó, M.M đã được người hàng xóm phát hiện và giữ lại.
Một số học sinh chia sẻ, sau một thời gian dài học online, khi trở lại học trực tiếp, các em rơi vào tình trạng căng thẳng và áp lực bởi bị thay đổi môi trường học tập. Nhiều em cho biết bị hổng kiến thức khiến kết quả học tập sa sút và luôn phải đối mặt với áp lực của kỳ thi quan trọng sắp tới.
Hiệu ứng “domino"
Học sinh N. P. N., Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) chia sẻ: “Một số bạn quen với việc tra bài giải trên mạng khi học online nhưng khi học trực tiếp không làm được như vậy thì điểm rất thấp. Thậm chí, khi có thông báo đi học trực tiếp, trong nhóm bạn của em cho biết không muốn trở lại trường”.
Nhiều phụ huynh chia sẻ, trò chuyện với con “tuổi teen" rất khó, thậm chí giữa cha mẹ và con cái là khoảng cách lớn.
Chị N.T.T.T (Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Gia đình tôi có một con đang học lớp 9. Tuy nhiên, để ứng xử với con là cả một sự nhẫn nhịn vô cùng. Thậm chí, muốn biết tâm tư thật của con tôi phải xem trộm tin nhắn, điện thoại và các nhóm chat riêng hoặc là nhờ đến các công cụ của công nghệ".
Bà Đào Thiên Lý, Tổng quản lý Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam: “Thực tế, những vấn đề của học sinh Việt Nam gặp phải cũng tương đồng với bất cứ học sinh ở các nước đang phát triển hay phát triển gặp phải như: Mối quan hệ bạn bè, gia đình, hướng nghiệp, nghiện game, các chất kích thích... Thậm chí, ở những nước phát triển, những vấn đề xã hội còn tác động mạnh mẽ đến học sinh khiến một số vấn đề như bạo lực, xâm hại còn nghiêm trọng hơn”.
Trao đổi với phóng viên, cô Hoàng Tuệ Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Giảng Võ (Quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Là giáo viên chủ nhiệm lớp 8, tôi đã nhận rõ những áp lực của học sinh sau khi trở lại trường học trực tiếp. Học online 3 năm, một số thói quen không tốt cũng đã bắt đầu hình thành với các con. Đặc biệt, những vấn đề về tâm lý đã nảy sinh, như: Ngại giao tiếp, rất ít tương tác các thầy cô, các bạn và thu mình”.
Cô Tuệ Minh nhớ lại trường hợp của một học sinh lớp 9: “Bình thường em là một học sinh rất chỉn chu, ngoan ngoãn và chăm chỉ. Nhưng trong buổi kiểm tra gần đây nhất, em giở tài liệu chép bài. Khi các cô phát hiện, em bật khóc. Từ chỗ ngạc nhiên, chúng tôi đã tìm hiểu và cảm thông khi hiểu ra các em đang quá kỳ vọng vào điểm số. Trong quá trình học online, các em đã có nhiều sự hỗ trợ để đạt được điểm số như mong muốn".
Đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Khi trở lại trường học trực tiếp, sự tự tin, tự chủ của một nhóm học sinh đã giảm xuống. Các em dần mất đi sự chủ động và thu mình nhiều hơn”.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Minh cho biết: “Trầm cảm ở học sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết, nguyên nhân từ phía bản thân học sinh. Lứa tuổi học sinh, đặc biệt là giai đoạn vị thành niên, là thời kỳ rất nhạy cảm với những tổn thương. Đây còn là giai đoạn các em bước vào thời kỳ dậy thì nên tâm sinh lý ở khoảng thời gian này đang thay đổi và chưa có đủ khả năng nhận thức toàn diện về một vấn đề gặp phải. Vì vậy, học sinh dễ bị ảnh hưởng từ chính những suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi cá nhân”.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nhiều học sinh cũng tự tạo áp lực cho mình trong việc thi cử, học tập hay có thói quen sống thiếu lành mạnh. Một số học sinh gặp áp lực, mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè, gia đình. Bên cạnh đó, là nguyên nhân khách quan từ phía gia đình. Gia đình đặt sự kỳ vọng quá lớn lên con cái, tạo áp lực. Hay gia đình không có phương pháp phù hợp, thiếu sự quan tâm đến con cái, gia đình đổ vỡ… Tiếp đến, là những nguyên nhân từ phía nhà trường, xã hội, từ phương tiện truyền thông đại chúng, từ mạng xã hội…
Bài 2: Đi tìm nguyên do