Video cô Đỗ Thị Trang, Tư vấn viên Tổ chức GNI tại Việt Nam tổ chức trò chơi tại phòng Tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội):
“Trắng" cơ chế
Hiện tại, các hoạt động tư vấn tâm lý học đường trong các trường phổ thông đang đối mặt với những khó khăn về biên chế tư vấn viên, cơ sở vật chất, tài liệu hướng dẫn, sách tâm lý dành cho giáo viên, học sinh…
Vừa trải qua ca tư vấn đặc biệt với học sinh bị trầm cảm sau dịch COVID-19, cô Phí Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 1 (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Học sinh nói chung rất cần những tư vấn tâm lý có chuyên môn và học sinh THCS càng cần hơn. Ở lứa tuổi này là những thay đổi về tâm, sinh lý rất mạnh mẽ. Đặc biệt, sau dịch COVID-19, những căng thẳng của học sinh càng rõ hơn. Áp lực thi cử, cộng với việc tiếp xúc với thiết bị công nghệ quá dài khiến học sinh rơi vào trầm cảm rất nhanh. Nhận thấy những bất cập đó, dù chưa có cơ chế nào cho tư vấn tâm lý học đường, tôi vẫn quyết định dành một phòng trong nhà trường để mở phòng tư vấn tâm lý sau khi học sinh trở lại trường học trực tiếp vừa qua với tinh thần tình nguyện của những giáo viên chủ nhiệm và một số giáo viên có kinh nghiệm về tâm lý học đường".
Nói về những khó khăn của tâm lý học đường, cô Thu Hương cho biết: “Có thể nói, rất nhiều khó khăn khi phát triển phòng tâm lý học đường. Chưa có biên chế cho người phụ trách công tác tư vấn tâm lý học đường. Công tác tư vấn tâm lý học đường của trường được duy trì bấy lâu là nhờ đội ngũ giáo viên vừa làm công tác chuyên môn vừa kiêm nhiệm. Họ rất khó khăn về thời gian. Tiếp đó là không phải giáo viên nào cũng tham gia tư vấn tâm lý được. Người tham gia cần phải có kinh nghiệm hoặc được qua những lớp tập huấn về tâm lý thì công việc này mới có hiệu quả. Phòng tư vấn tâm lý học đường không phải là một phòng học mà phải là nơi học sinh cảm thấy gần gũi và muốn đến. Điều nữa, chúng tôi không có tài liệu hướng dẫn cho giáo viên cũng như học sinh về tâm lý học đường”.
Khi được hỏi về mức thù lao cho các giáo viên làm công tác tư vấn thì cô Thu Hương bật cười: “Hiện nay, chúng tôi chưa có kinh phí nào, các cô làm việc hoàn toàn với tinh thần tự nguyện. Hiệu trưởng, hiệu phó cũng trực tiếp tham gia tư vấn bất kể thời gian nào với học sinh, phụ huynh".
Cô Đỗ Thị Trang, Tư vấn viên Tổ chức GNI tại Việt Nam cho biết: “Phòng tham vấn phải là nơi lắng nghe, đồng hành, kết nối giải quyết những thắc mắc theo đúng kiến thức tâm lý để giúp học sinh vượt qua những vấn đề đang gặp phải. Xu hướng lựa chọn các tình huống tiêu cực như: Cùng một câu chuyện, có những bạn muốn tạo lập nhóm để cô lập hoặc đánh bạn; Dưới câu nói của cha mẹ bị tổn thương thì dẫn đến hành vi tự sát; Có những bạn áp lực học hành học không tốt cho rằng không có giá trị;... Phòng tham vấn học đường cho rằng, có hơn một giải pháp thay vì chúng ta đi tìm giải pháp tiêu cực”.
“Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cần có những có lớp bồi dưỡng cho giáo viên. Như Trường THCS Mỹ Đình 1 có hơn 1.000 học sinh thì 1 tư vấn viên là vẫn không đủ. Chỉ bằng sự gần gũi của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên có kinh nghiệm về tâm lý lứa tuổi học sinh thì mới giải quyết được vấn đề tâm lý trong học đường hiện nay”, cô Phí Thu Hương chia sẻ.
“Mỗi giáo viên đang thực hiện 19 tiết/tuần. Nếu các cô làm vượt giờ thì ngành giáo dục cũng nên có hướng dẫn để có mức thù lao động viên tinh thần họ", cô Thu Hương đề xuất.
Tôi gặp cô Phạm Thị Thanh Huyền, Giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Việt Đức (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi cô đang trong tiết dạy chuyên môn. Khác với hình dung về một giáo viên dạy Lịch sử với những mốc sự kiện khô cứng, cô Phạm Thị Thanh Huyền rất gần gũi với học sinh và mang lại người đối diện một năng lượng tích cực.
Cô Thanh Huyền chia sẻ: “Tôi được đào tạo để giảng dạy Lịch sử. Còn tham vấn tâm lý học đường là công tác kiêm nhiệm. Tôi chỉ được đào tạo ngắn hạn về tâm lý học đường. Do đó, tôi luôn cảm thấy thiếu thốn về kiến thức về tâm lý. Đặc biệt, với những tác động xã hội như hiện nay đến học sinh, càng làm tôi càng cảm thấy thiếu”.
Cô Phạm Thị Thanh Huyền nhận công tác tư vấn tâm lý học đường tại Trường THPT Việt Đức bắt đầu từ năm 2014 khi cô là giảng viên nguồn của dự án “Trường học an toàn- thân thiện và bình đẳng” do Tổ chức Plan International và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai thực hiện.
“Khi bố trí nhân sự phụ trách phòng tham vấn thì Ban giám hiệu chỉ định và cho rằng “không ai phù hợp hơn tôi". Tôi làm công tác này không có bất kỳ tiền trả thêm nào, chỉ được ưu ái bớt 4 tiết chuyên môn/tuần”, cô Phạm Thị Thanh Huyền cho biết.
Cô Phạm Thị Thanh Huyền cho biết: “Công việc tư vấn cần đầu tư tìm tòi và khá vất vả. Giáo viên cần lắng nghe bằng trái tim để thấu hiểu và giữ cái đầu tỉnh táo để phân tích và đưa ra lời tham vấn hợp lý. Tôi vẫn chưa đủ chuyên nghiệp đến mức là có thể hoàn toàn tách biệt công việc và cuộc sống. Đôi khi tôi không thoát vai được nên rất bị ám ảnh”.
Cô Thanh Huyền cũng như một số giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lý khác đều mong có một chế độ đãi ngộ tốt hơn, cụ thể là được trả lương xứng đáng và có cơ chế linh hoạt để hoạt động tốt hơn.
“Mặc dù trường THPT Việt Đức có phòng tham vấn tâm lý học đường rồi nhưng đây vẫn là sự vận động tự thân của nhà trường. Tôi mong phòng tham vấn tâm lý học đường cần được đầu tư đúng chuẩn hơn để hoạt động tâm lý thực sự hiệu quả”, cô Thanh Huyền đề xuất.
Thực tế này đang diễn ra ở nhiều trường phổ thông ở ngay Thủ đô Hà Nội - một thành phố có điều kiện kinh tế phát triển năng động cũng như bề dày truyền thống bậc nhất cả nước. Còn ở những trường thuộc vùng khó khăn trên chính địa bàn này thì vẫn trong cảnh “trắng” phòng tư vấn tâm lý.
Phát huy năng lực tự thân
Theo kinh nghiệm của các cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp đứng lớp, để làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, thì không gì bằng sự gần gũi giữa giáo viên và học trò. Đồng thời, cần tạo mọi điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động ngoài trời, nhằm giảm bớt những căng thẳng sau giờ học.
Tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Quận Ba Đình, Hà Nội), một trong những “chẩn trị" tâm lý học đường chính là đa dạng các hoạt động mà học sinh là trọng tâm.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, cô Đỗ Thị Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: “Thời đại nào cũng có những học sinh gặp phải những bất ổn tâm lý. Trong điều kiện công nghệ phát triển, cộng thêm các ảnh hưởng do COVID-19, những vấn đề tâm lý học đường càng cần được quan tâm hơn. Để đồng hành với học sinh, cách tốt nhất là đa dạng hoá các hoạt động, giúp học sinh giải toả được năng lượng tiêu cực thông qua những hoạt động tích cực, tăng cường kết nối. Làm sao đó để học sinh yêu trường, yêu lớp và có một ý trí phấn đấu”.
Dù kết thúc giờ học đã 1 tiếng nhưng sân trường THPT Phan Đình Phùng luôn nhộn nhịp. Đây đó là những hoạt động tập thể như: Đá bóng, nhảy hiphop hay những nhóm nhỏ tâm sự cùng nhau…
Cô Đỗ Thị Bảy tâm sự: “Trường luôn mở cửa để học sinh có… chỗ chơi. Hơn cả là sự gần gũi với các em. Mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường nên là “chỗ dựa" để khi học trò cần tâm sự thì các em lựa chọn thầy, cô. Đó mới là hiệu quả của việc làm tâm lý".
Trường THCS Mỹ Đình 1 (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang có một cơ sở vật chất khá khang trang và nằm trong một khu đô thị phát triển top đầu của quận này. Tuy nhiên, để dành một phòng tư vấn tâm lý riêng là cả một quyết tâm của Ban Giám hiệu cũng như giáo viên kiêm nhiệm đang làm công tác này.
Nhận thấy những bất ổn trong tâm lý học sinh bùng phát sau dịch COVID-19, phòng tham vấn học đường của Trường THCS Mỹ Đình 1 được Ban Giám hiệu nhà trường lập ra vừa qua. Cách thiết kế phòng tâm lý này cũng là ý tưởng của Ban Giám hiệu cũng như sự chung tay của những giáo viên quan tâm đến tâm lý học đường trong trường. Họ đã tạo một không gian gần gũi hơn với học sinh và thực hiện mong muốn “là nơi học sinh thực sự muốn đến giãi bày, giảm căng thẳng”.
Hiện nay, trung bình mỗi tuần, phòng tư vấn tâm lý của Trường THCS Mỹ Đình 1 (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tiếp nhận trung bình 5 - 10 học sinh cần tư vấn tâm lý. Ngoài ra, những câu hỏi liên quan đến thi vào lớp 10 liên tục được học sinh đặt ra và nhờ sự trợ giúp của giáo viên.
Cô Phí Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 1 chia sẻ: “Một số học sinh từng chia sẻ với tôi, “nếu học online nữa có khi con tự tử". Đây không phải lời nói đùa. Bây giờ, cách dạy học sinh không thể theo kiểu nhồi nhét nữa mà bên cạnh kiến thức thì giáo viên phải luôn luôn lắng nghe các con. Thầy, cô nên làm gì để cho trẻ cảm thấy muốn được đến trường. Khi gặp khó khăn, học sinh chủ động tìm đến thầy, cô. Hiện nay, trẻ có suy nghĩ lệch lạc và tiêu cực nhiều. Trong khi, các con chưa đủ năng lực bao quát và suy nghĩ thấu đáo. Vì thế đã có những trường hợp đã làm liều, bộc phát với những suy nghĩ rất đơn giản. Vì thế, nhà trường vẫn nên là nơi không chỉ dạy kiến thức mà còn là nơi khơi gợi giúp các con nói ra những điều không dám nói".
Mong muốn nhất của cô Phí Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đình 1 (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bây giờ là nhà trường cần có một chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh. Nếu chưa thể có ngay thì ngành giáo dục nên có một tài liệu hướng dẫn tư vấn tâm lý để giáo viên đọc và nghiên cứu. Bên cạnh đó là sách dành cho học sinh trong phòng tư vấn tâm lý học đường.
Tại trường THCS Giảng Võ (Quận Ba Đình, Hà Nội), cô Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Một trong những giải pháp của nhà trường là tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý thường xuyên. Nhà trường có phòng tư vấn tâm lý, có chuyên gia tư vấn tâm lý riêng. Đồng thời, trường lập một đường dây nóng 24/24 giờ để phụ huynh, học sinh gọi đến giãi bày tâm sự cũng như khúc mắc gặp phải".
Bên cạnh phòng tư vấn tâm lý, sự chủ động của giáo viên chủ nhiệm trong việc quan sát tâm lý, tư vấn, định hướng cho học sinh được các trường quan tâm.
Cô Hoàng Tuệ Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Giảng Võ (Quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Trong năm học này, nhà trường đưa ra thông điệp: Tri thức - Nhân cách - Sự đồng cảm. Điều chúng tôi đang hướng đến là sự đồng cảm. Nghe thì có vẻ to tát nhưng chúng tôi đang cố gắng là người bạn của học sinh. Đó là luôn sát sao, nắm bắt những vấn đề của học sinh trên cơ sở sự tin cậy. Từ đó các con sẽ chủ động chia sẻ".
Cô Hoàng Tuệ Minh cũng cho biết, nhiệm vụ của các giáo viên là làm thế nào để học sinh thấy đến trường vui vẻ.
“Với việc học tập, giáo viên chỉ truyền thụ những kiến thức cơ bản, giao bài vừa sức với các con nhưng yêu cầu các con thực hiện nghiêm túc. Trong giờ học thì giảm bớt thời gian, trong buổi học thì giảm bớt số tiết. Các con được tăng giờ ra chơi, cũng như giờ về được về sớm để tham gia các hoạt động như bóng đá, bóng rổ hoặc giải trí với “tủ sách mở” đặt ở mỗi hành lang... Khi chúng tôi trao cho học sinh khoảng thời gian như vậy thì thái độ của em tích cực dần lên. Đầu giờ có đội phát thanh măng non là những bản nhạc truyền thống, giữa giờ là những bài hát các em yêu thích thì phần nào giảm bớt những căng thẳng, cũng như điều chỉnh hành vi của học sinh", cô Hoàng Tuệ Minh nói.
Cô Tuệ Minh cũng cho rằng: “Học sinh bây giờ rất nhanh nhẹn và khôn khéo. Nếu lồng ghép những vấn đề tiêu cực đang hot một cách giáo điều thì sẽ không hiệu quả. Thay vào đó, giáo viên đưa ra các tình huống để học sinh lựa chọn và có các đáp án gợi ý từ phía giáo viên. Giáo viên hãy trao cho học sinh cơ hội để tự nắm bắt, tự điều chỉnh và có sự định hướng của thầy, cô thì chắc chắn các con sẽ đi theo hướng tích cực".
Bài cuối: Gia đình, nhà trường đồng hành cùng các con