Câu chuyện từ quản lý
Trường THPT Việt Đức (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong một ngày nắng cuối tháng 5. Nhiều hoạt động thể thao của học sinh trong sân trường khiến bức tranh “bình thường mới” hậu COVID-19 trở nên tích cực hơn.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Số lượng học sinh tìm đến phòng tư vấn tâm lý học đường tăng mạnh so với trước đây. Các vấn đề mà các em đang gặp phải chủ yếu là: Áp lực trước kỳ thi khi bị hổng kiến thức do quá trình học online quá dài; Mối quan hệ với bố mẹ; Xích mích giữa bạn bè…”.
Cô Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Sau đại dịch COVID-19, có khoảng 15-18% học sinh của nhà trường cần trợ giúp tâm lý, dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể trực tiếp hay trực tuyến. Những vướng mắc học sinh gặp phải thường là xích mích với bạn bè, tâm sinh lý tuổi thành niên, những khó khăn không thể nói với bố mẹ, thầy cô. Tôi cho rằng, những bức xúc này vốn luôn tồn tại ở lứa tuổi các em nhưng COVID-19 đã làm những căng thẳng đó gia tăng khi các em không được tương tác trực tiếp, sử dụng mạng internet quá nhiều và đôi khi thêm áp lực của gia đình”.
Bà Đào Thiên Lý, Tổng quản lý Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam cho biết: “Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề tư vấn tâm lý học đường theo một hướng khác. Bởi phòng tư vấn tâm lý ở nhiều trường học hiện nay chưa thể phát huy được hiệu quả khi tư vấn viên chính là giáo viên chủ nhiệm hoặc kiêm nhiệm. Nhiều trường, phòng này vẫn còn mang tính kỷ luật khiến các em học sinh rất sợ. Ở đó chỉ có sự áp đặt mà các em không thể tìm thấy sự tin tưởng, chia sẻ”.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 1 (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì bày tỏ sự quan tâm tới trường hợp một học sinh của trường: “Tổ tư vấn tâm lý của trường đang can thiệp hỗ trợ một học sinh trong tình trạng căng thẳng không muốn đi học. Học sinh từng có học lực giỏi, sống chan hoà với bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, khi trở lại học trực tiếp em sống khép mình, sa sút trong học tập và thường đến lớp trong tình trạng không trả lời các câu hỏi của thầy, cô giáo”.
Được biết, với trường hợp này, cô Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đình 1 Phí Thu Hương đã vào cuộc sau khi có chia sẻ của cô giáo chủ nhiệm của học sinh này. Cô Phí Thu Hương tâm sự: “Khi nhận thông tin từ giáo viên chủ nhiệm, tôi dành thời gian quan sát học sinh. Trong lớp, học sinh không giao lưu với ai, khuôn mặt lộ vẻ lo lắng với tinh thần không ổn định. Tìm hiểu ra, gần 1 năm con học online tại nhà chỉ làm bạn với máy tính, bố đi làm cả ngày, mẹ đi công tác tại Nhật Bản chưa về. Khi trở lại trường học trực tiếp con cảm thấy rất xa lạ, con nói con không biết bắt đầu từ đâu và sợ hãi mỗi lần cô hỏi đến về kiến thức. Con cảm thấy không được bằng bạn bằng bè”.
Trước tình huống đó, cô Phí Thu Hương đã chủ động nói chuyện với học sinh tư cách một người muốn nghe chia sẻ chứ không phải là một hiệu trưởng. Khi cô Thu Hương hỏi học sinh mong muốn điều gì nhất bây giờ là gì thì con oà khóc: “Con chỉ mong mẹ về với con. Mẹ hứa khi mẹ về sẽ đưa con Nhật Bản cùng. Lo lắng tiếp theo là về học tập, con không tự tin, học không hiểu bài và không tiếp thu được”, cô Thu Hương nhớ lại.
Nhận thấy những bất ổn tâm lý này cần sự can thiệp của gia đình và chuyên môn tâm lý, cô Phí Thu Hương đề nghị bố của học sinh này cho em đi khám tâm lý. Tuy nhiên, ban đầu phụ huynh vẫn chưa chấp nhận được việc này.
“Trước mắt, từ phía nhà trường, tôi giúp cho con chuyển sang một lớp có mặt bằng học tập vừa phải hơn và có giáo viên chủ nhiệm là nam. Nhưng sau một thời gian thấy con vẫn rơi vào căng thẳng, mệt mỏi và mất ngủ. Tôi tiếp tục gọi bố cháu đề nghị đưa cháu đi khám tâm lý. Sau đó, bố cháu đã gọi cho tôi nói rằng: “Con bị trầm cảm khá nặng”. Tôi đưa ra lời khuyên bố nên nghỉ phép, cùng con đi chơi đâu đó. Ở lớp, các bạn thay nhau chép bài giúp con. Con được nhận sự quan tâm của gia đình, bạn bè, thầy cô và giảm áp lực học tập nên giờ đây con đã tốt hơn rất nhiều. Con vừa hoàn thành bài kiểm tra học kỳ với kết quả tốt", cô Thu Hương kể lại.
Là một trường có phòng tham vấn học đường và có chuyên gia tư vấn riêng khi được sự tham gia của một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc tại Việt Nam, cô Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Trường chưa có con số thống kê chính xác nhưng số lượng học sinh mong muốn chia sẻ, giãi bày cảm xúc liên quan nhiều đến bạn bè, gia đình. Ngoài ra, phổ biến nhất là những áp lực từ học tập. Các em đang quen với nếp học online, giờ đây đi học trực tiếp cũng là một khó khăn và với các em chuyển cấp thì phía trước là kỳ thi quan trọng”.
Lỗ hổng lớn trong tư vấn tâm lý học đường
Tại buổi sơ kết 3 năm thực hiện các hướng dẫn về công tác tư vấn tâm lý học sinh và công tác xã hội trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào tháng 12/2021, các chuyên gia tâm lý, giáo dục, các nhà quản lý và các Sở GD&ĐT trong cả nước đã nêu ra những thách thức to lớn đối với vấn đề tâm lý học đường, đó là sự phát triển của công nghệ 4.0 và những vấn đề phức tạp từ xã hội.
Đồng thời, các chuyên gia giáo dục chỉ ra vấn đề mà tư vấn tâm lý học đường tại Việt Nam vẫn còn bị xem nhẹ. Hiện tại, hầu hết các cơ sở giáo dục, nhà trường không có được lực lượng chuyên trách, các thầy giáo, cô giáo kiêm nhiệm công tác tư vấn học đường không được đào tạo bài bản và thiếu thời gian; học sinh vẫn còn tâm lý ngần ngại khi đến phòng tham vấn có các thầy, cô là những người đang hàng ngày giảng dạy mình. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cho các giáo viên cũng chưa được thỏa đáng.
Theo quy định tại Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông của Bộ GD&ĐT, các nhà trường phải thành lập Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Thành phần Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội. Bên cạnh đó, Thông tư 31 cũng quy định nhà trường bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng (đối với trường tiểu học có thể bố trí phòng hoặc góc tư vấn tùy theo quy mô và điều kiện nhà trường) đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn.
Mới đây, trong buổi khai trương phòng tâm lý học đường tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Quân Hoàn Kiếm, Hà Nội), trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Đào Thiên Lý, Tổng quản lý Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam cho biết: “Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề tư vấn tâm lý học đường theo một hướng khác. Bởi phòng tư vấn tâm lý ở nhiều trường học hiện nay chưa thể phát huy được hiệu quả khi tư vấn viên chính là giáo viên chủ nhiệm hoặc kiêm nhiệm. Nhiều trường, phòng này vẫn còn mang tính kỷ luật khiến các em học sinh rất sợ. Ở đó chỉ có sự áp đặt mà các em không thể tìm thấy sự tin tưởng, chia sẻ”.
“Điểm yếu dễ nhận thấy nhất trong việc phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam chính là thiếu cán bộ chuyên trách. Một giáo viên làm công tác chuyên môn chưa chắc đủ thời gian để thấu đáo được những tâm sự của học sinh gặp phải. Giáo viên phải toàn tâm toàn ý để có thể lắng nghe giúp đỡ các em, trong khi giáo viên nghe xong lại phân tâm bởi chuyên môn thì khó có thể hoàn thành được”, bà Đào Thiên Lý nhấn mạnh.
Từ năm 2019, Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam có chương trình can thiệp hỗ trợ tham vấn học đường tại 6 trường THCS trên địa bàn Hà Nội. Ước tính, các phòng tư vấn tâm lý học đường can thiệp khoảng 2.000 trường hợp. Ngoài ra là những tư vấn kịp thời thông qua hệ thống phần mềm với cha mẹ, giáo viên và học sinh.
Là một chuyên gia tư vấn tâm lý chuyên môn của Dự án tư vấn tâm lý học đường của Tổ chức GNI Việt Nam và phụ trách phòng tâm lý học đường Trường Marie Curie (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cô Đỗ Thị Trang cung cấp thông tin: “Trong quá trình tham vấn, quản lý chuyên môn tại các trường, tôi nhận thấy có những vấn đề học sinh đang gặp phải như sau: Áp lực học tập; Không hiểu định hướng nghề nghiệp mình muốn gì; Mối quan hệ bạn bè, cha mẹ, thầy cô; Sức khoẻ sinh sản, giới tính; Bạo lực theo hình thức tự hại”.
Cô Đỗ Thị Trang nhấn mạnh: “Bạo lực là hình thức tập nhiễm hành vi rất nhanh. Bởi nhận thức của học sinh là sử dụng bạo lực giúp đáp ứng cách bạn muốn nhanh nhất. Trong đó, những hành vi tự hại gần đây được báo chí, truyền thông “quan tâm" quá nhiều. Nhưng điều này với tôi là không đổi, bởi những mạch ngầm tổn thương trong các em quá nhiều. Tôi đã nhìn thấy những cánh tay đi đến phòng tham vấn bị rạch không thiếu chỗ nào. Chúng ta đang quan tâm quá nhiều đến đến sự việc mà chưa nói đến những giải pháp”.
Làm thế nào để công tư vấn tâm lý học đường được trở nên chuyên nghiệp, chăm sóc hiệu quả cho vấn đề tâm lý của học sinh? Bài toán này đã có lời giải nhưng để hiện thực hoá lại không hề dễ dàng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Minh cho biết: “Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay hầu hết trường học đều thành lập Tổ tư vấn tâm lý. Riêng phòng tư vấn tâm lý thì tùy thuộc vào điều kiện của từng nhà trường, hầu hết các trường có phòng riêng, có một số trường ghép chung với phòng Y tế”.
Nhận định về tư vấn tâm lý học đường hiện nay, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: “Thông tư 31 đã tạo hành lang pháp lý cho công tác tư vấn tâm lý, góp phần giúp hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông hoạt động hiệu quả hơn và hình thành một mạng lưới trợ giúp học sinh trước những nguy cơ gặp khó khăn tâm lý trong học tập và cuộc sống. Hiện nay, các nhà trường đã triển khai thực hiện công tác tư vấn tâm lý thông qua nhiều hình thức: lồng ghép qua các môn học, tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức hội thảo, toạ đàm, tập huấn về tư vấn tâm lý cho học sinh diễn ra với nhiều chủ đề, góp phần bồi dưỡng nhân lực cũng như trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn tâm lý; làm tốt công tác phối hợp giáo dục học sinh giữa gia đình, nhà trường và xã hội”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cũng thừa nhận, hạn chế hiện nay là một số cơ sở giáo dục chưa bố trí được phòng tư vấn riêng cho hoạt động tư vấn tâm lý học sinh, hoặc được bố trí ở những khu vực chưa phù hợp, cơ sở vật chất của phòng chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý cơ bản còn làm kiêm nhiệm, chưa đủ kiến thức, kỹ năng để làm tốt công tác tư vấn tâm lý.
Bài 3: Gỡ khó cho công tác tư vấn tâm lý