Thưa Thứ trưởng, những căng thẳng áp lực từ học tập, từ gia đình, bạn bè ở tuổi vị thành niên (THCS, THPT) đã dẫn đến những sự việc đau lòng như báo chí đã đề cập và còn nhiều tảng băng chìm vẫn chưa thể phá vỡ. Vậy công tác tư vấn tâm lý học đường sau đại dịch được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đồng hành với các Sở GD&ĐT, nhà trường ra sao?
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác tư vấn tâm lý trong trường học; các Chỉ thị, Đề án, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT liên quan đến công tác tư vấn tâm lý; tăng cường đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ tư vấn tâm lý nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục. Ban hành Kế hoạch triển khai công tác tư vấn tâm lý trong trường học năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo một số hoạt động sau: Tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn, Hội Đồng đội Trung ương, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để triển khai các hoạt động hỗ trợ tư vấn tâm lý, trong đó chú trọng trợ giúp nhóm học sinh yếu thế; Nghiên cứu, rà soát và đề xuất bổ sung, sửa đổi Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học, trong đó nghiên cứu quy định rõ quy trình thực hiện công tác tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan; xem xét, tham mưu, đề xuất việc bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông phù hợp điều kiện thực tiễn của các nhà trường …
Bộ cũng chỉ đạo xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học; đa dạng hóa các hình thức và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học, phù hợp với nhu cầu và bối cảnh xã hội; xây dựng tiêu chí hoạt động tư vấn tâm lý của các cơ sở giáo dục. Hoàn thiện và ban hành các tài liệu dành cho đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường: Sổ tay hướng dẫn tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; Sổ tay hướng dẫn thực hành công tác xã hội trong trường học; Tài liệu về quy trình công tác xã hội trong hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong trường học; Ấn phẩm truyền thông về công tác tư vấn tâm lý công tác xã hội trong bảo vệ trẻ em.
Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục để hướng tới chuyên nghiệp hóa đội ngũ này.
Đồng thời, xây dựng hướng dẫn về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên triển khai tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục. Bố trí linh hoạt cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tùy thuộc quy mô của cơ sở giáo dục; tăng cường vai trò của cán bộ, giáo viên phụ trách Đoàn, Đội và nhân viên y tế học đường trong công tác trợ giúp và bảo vệ học sinh.
Bộ cũng phối hợp các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật và đạo đức trong thực hiện tư vấn tâm lý của đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên kiêm nhiệm trong các cơ sở giáo dục; thực hiện nghiên cứu khoa học kết hợp tổng kết, đánh giá thực tiễn để hoàn thiện cơ chế, chính sách và phát triển tư vấn tâm lý trong trường học.
Thực tế cho thấy, người tư vấn tâm lý học đường ở nhiều nơi vẫn là kiêm nhiệm, chỉ một tỷ lệ nhỏ là có phòng tư vấn tâm lý học đường. Vậy, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tháo gỡ vấn đề này ra sao?
Để giải quyết những vấn đề này, trong thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp, cụ thể như sau:
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên phụ trách về vai trò và tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý trong trường học. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, các buổi sinh hoạt tập thể, các câu lạc bộ thể thao, sở thích... để nâng cao nhận thức về bổn phận của trẻ em, học sinh với gia đình, ông bà, cha mẹ, với bản thân và cộng đồng; thấy được ý nghĩa cuộc sống.
Mặc dù, đại diện Bộ GD&ĐT đã đưa ra những giải pháp của ngành, tuy nhiên, những vấn đề mấu chốt để phát triển tư vấn tâm lý học đường phòng tư vấn tâm lý theo chuẩn bao gồm: Đội ngũ tư vấn chuyên trách, phòng tư vấn theo chuẩn, tài liệu hướng dẫn… lại vẫn đang ở thì… tương lai. Vì thế, nhiều trường vẫn đang “liệu cơm gắp mắm" và theo tinh thần tình nguyện của giáo viên để giúp học sinh của mình. Nhưng điều này sẽ chỉ như “muối bỏ bể" trước sự phát triển mạnh mẽ các vấn đề xã hội, công nghệ tác động đến tâm lý lứa tuổi mà học sinh đang phải chịu.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT chỉ đạo về công tác tư vấn tâm lý trong các nhà trường được quy định tại Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/12/2019 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong đó nêu rõ “Nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường; từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục”; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030"; Thông tư 31/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính rà soát, ban hành hướng dẫn về chính sách, vị trí việc làm đối với cán bộ đầu mối phụ trách công tác tư vấn tâm lý, có chế độ chính sách phù hợp, hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí cho công tác tư vấn tâm lý học đường.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh tại các đơn vị trường học; bổ sung nhân sự có năng lực chuyên môn sâu nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức tư vấn cho học sinh. Chú trọng phát triển, đa dạng hóa các hình thức dịch vụ tư vấn tâm lý, huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh…
Phối hợp với các tổ chức quốc tế để phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đối với lĩnh vực bảo vệ trẻ em, tư vấn học đường, bạo lực học đường…
Theo Thứ trưởng, gia đình, nhà trường và giáo viên cần làm gì để hạn chế tốt nhất vấn đề “trầm cảm học đường”?
Để hạn chế các vấn đề khó khăn tâm lý của học sinh, đặc biệt là trầm cảm học đường, từ thực tế, tôi nhận thấy các nhà trường, giáo viên và gia đinh cần quan tâm, chú trọng một số nội dung sau:
Giáo viên cần cần kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân; tạo điều kiện để có nhiều không gian để trò chuyện với học sinh, thông cảm và hiểu nhau.
Với những học sinh có vấn đề về tâm lý, sự quan tâm, an ủi, động viên, chia sẻ rất quan trọng. Nhà trường dành thời gian cho các hoạt động kết nối, các trò chơi để kích hoạt kỹ năng giao tiếp. Giáo viên cần thực sự hiểu kỹ năng lắng nghe chủ động.
Giáo viên cần trang bị các kiến thức để nhận diện các dấu hiệu của trầm cảm học đường cũng như dấu hiệu của các khó khăn tâm lý khác của học sinh để kịp thời phối hợp với gia đình có biện pháp hỗ trợ, can thiệp với học sinh.
Đối với trường học chưa có phòng tư vấn tâm lý, cán bộ phụ trách tư vấn tâm lý thì giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cần quan tâm, chú ý đến các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ em, học sinh và phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ.
Nhà trường cũng cần quan tâm khảo sát, sàng lọc để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm lý của học sinh; phối hợp các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng để đối phó với những vấn đề tâm lý.
Cha mẹ không quá tạo áp lực cho con trong học tập, thi cử cũng như trong các mối quan hệ xã hội. Cha mẹ cần hiểu mỗi học sinh có một thế mạnh riêng, phụ huynh có thể phát huy các thế mạnh này, không nên bắt ép con phải học tập quá sức và không so sánh con cái với bạn bè... nhằm tạo áp lực về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức chịu đựng của trẻ em, học sinh.
Cha mẹ cũng cần quan tâm, dành thời gian trò chuyện với con, lắng nghe con cái nhiều hơn, giúp con cân bằng giữa hoạt động trí não và hoạt động thể thao, giải trí, chú ý cho con ngủ đủ giấc.
Cha mẹ cần chú ý con để nhận ra và can thiệp kịp thời với các dấu hiệu con stress, lo lắng, mệt mỏi,…. Dạy con những thông điệp tự nhủ tích cực để có thể vượt các khó khăn tâm lý. Với những trẻ có dấu hiệu trầm cảm, rối loạn lo âu cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Đặc biệt, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên, nhà trường để để đảm bảo và nâng cao khả năng học tập cho các con, lựa chọn đúng chương trình và nhu cầu phát triển của con.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!