Bước đầu trong quá trình đổi mới

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển (ảnh) đã trao đổi với PV Tin Tức về chủ trương "Không chấm điểm đối với học sinh lớp 1".

 

´Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về việc cho điểm và đánh giá, nhận xét với kết quả học tập của học sinh lớp 1?


Điểm số chỉ phản ánh được một phần kết quả giáo dục, chứ không phải toàn bộ mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên, trước đây, chúng ta vẫn coi điểm sẽ là tất cả, phản ánh mọi mặt kết quả học tập. Từ điểm số để rút ra nhận xét học sinh sẽ không phản ánh đúng những gì cần đánh giá. Điểm số có tác dụng để định lượng kết quả học tập của học sinh, dẫn đến xếp loại. Tuy nhiên việc xếp loại này lại dẫn đến hệ quả không tốt là có sự so sánh học sinh này với học sinh khác và đây chính là mặt hạn chế khi cho điểm


Hiện giờ, điểm sẽ vẫn cho, nhưng cần xác định rõ là cho điểm ở cái gì, khi nào và không cho điểm trong trường hợp nào? Đánh giá học sinh hướng tới ba mục tiêu: Đánh giá vì sự học tập, đánh giá những người dạy học và kết quả học tập. Trong dó, hai mục tiêu ban đầu quan trọng hơn. Vì vậy, việc phân loại học sinh cũng không đặt nặng như trước đây nữa.


Việc đánh giá học sinh là so sánh với mục tiêu giáo dục chứ không phải so sánh điểm này, điểm kia. Học sinh với năng lực sẵn có, cùng với sự giúp đỡ của giáo viên, nhà trường sẽ phát huy được năng lực ấy. Đây là điều mà ngành giáo dục cần hướng tới.


Giờ học tập viết của học sinh lớp 1 thuộc điểm trường Sam Kha, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN


Bộ chủ trương thông qua đánh giá giúp đỡ học sinh học tập tốt hơn, nhận xét để các em có những tiến bộ, tránh cảm giác tự ti. Thành công trong học tập mang lại sự hứng thú để các em học tốt hơn. Điều này là quan trọng, đặc biệt ở lớp 1.

 

´Một số phụ huynh cho rằng việc đánh giá là chưa công bằng và vẫn cần cho điểm mới chính xác. Thứ trưởng giải thích ra sao về việc này?


Trước một chủ trương mới bao giờ cũng có ý kiến khác nhau, thậm chí là lo lắng. Tuy nhiên nhiều người chưa thực sự hiểu được bản chất của việc đánh giá hay cho điểm là như thế nào. Điểm số cũng không tuyệt đối được. Ví dụ, kiểm tra bài đúng hôm học sinh có vấn đề về sức khỏe, hay điều kiện tâm lý không ổn định sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc làm bài. Như vậy kết quả điểm lúc đó cũng không nói lên được quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Bộ đã cung cấp tài liệu, hướng dẫn cách thức đánh giá bằng nhận xét đối với học sinh, để các Sở GD - ĐT, trường theo đó ra văn bản thực hiện. Như việc đánh giá thường xuyên trên lớp học thế nào, giáo viên quan sát học sinh ra sao. Đồng thời giáo viên cần khuyến khích, hướng dẫn học sinh vượt qua khó khăn trong học tập.

 

´Thời gian tới, việc đánh giá nhận xét có được triển khai ở các lớp trên hay không, hay chỉ dừng lại ở lớp 1, thưa ông?


Đổi mới thi, kiểm tra nhận xét đánh giá kết quả học tập của học sinh là một trong những khâu đột phá trong việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mà toàn ngành đang bắt tay thực hiện. Đánh giá, nhận xét học sinh cũng là việc cần đổi mới hiện nay. Có thể nói, việc không chấm điểm hiện nay cũng là những bước đầu trong quá trình đổi mới đó. Trong mô hình trường học mới, Bộ cũng đã xây dựng tiêu chí đánh giá, nhận xét đối với học sinh lớp 2 đến lớp 5.


Xin cảm ơn Thứ trưởng!



Lê Vân (thực hiện)

Diễn đàn “Không cho điểm đối với học sinh lớp 1”
Diễn đàn “Không cho điểm đối với học sinh lớp 1”

Chủ trương “Không cho điểm đối với học sinh lớp 1”, sau 1 tháng triển khai đã nhận được sự đồng tình cao từ phía các bậc phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng phản ánh dù với phương pháp nào thì họ vẫn mong muốn nắm bắt đúng thực lực của con mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN