Tính ưu việt không thể phủ nhận
Theo Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú thì loại hình giáo dục này được Nhà nước thành lập dành riêng cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả vùng biên giới hải đảo, bãi ngang ven biển và gọi chung là vùng dân tộc thiểu số và miền núi).
Trường phổ thông dân tộc nội trú là trường công lập chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường có nhiệm vụ chính là chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú; đảm bảo các điều kiện để học sinh dân tộc nội trú được học tập, ăn, ở và sinh hoạt an toàn tại trường; tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù phù hợp với học sinh dân tộc nội trú… Mục tiêu là tạo nguồn để đào tạo nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chế độ của học sinh trường dân tộc nội trú được quy định tại Điều 2 của Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT. Theo đó, học sinh được miễn học phí và được hưởng học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu trong 12 tháng mỗi năm (mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng); được cấp đồ dùng cá nhân, bảo hiểm y tế; được cấp tiền tàu xe về quê ăn Tết với gia đình…
Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đầy đủ, đảm bảo tiêu chí của trường chuẩn quốc gia, ngoài ra còn có các hạng mục: khu nội trú có diện tích sử dụng tối thiểu 6m2/học sinh; phòng ở nội trú, nhà ăn cho học sinh và các trang thiết bị kèm theo; nhà công vụ cho giáo viên; nhà sinh hoạt, giáo dục văn hóa dân tộc…
Hiện tại cả nước có 325 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với gần 106.000 học sinh. Các trường thuộc mô hình này đã khẳng định vị thế hàng đầu về chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo số liệu của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hằng năm đạt trên 97%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 90%. Trong số khoảng 6.000 học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm có trên 50% đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng, 5% học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học, 30% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất.
Ngày 28/4/2022, khi thăm Trường Phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương tại tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Trường dân tộc nội trú là mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thời gian qua, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã từng bước khẳng định những ưu điểm, ưu việt trong hệ thống giáo dục nước ta.
Bên cạnh hệ thống trường dân tộc nội trú là mô hình bán trú. Địa hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi thường rất hiểm trở, diện tích rộng, dân cư thưa thớt nên nhiều học sinh không thể đi học rồi trở về nhà trong ngày. Các em phải ở lại trường hoặc ở nhờ nhà dân quanh đấy, tự túc lương thực - thực phẩm, đến cuối tuần mới về với gia đình.
Năm 2010, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú kèm Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT. Theo đó, các trường tiểu học, trung học cơ sở và trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được chuyển đổi thành trường phổ thông dân tộc bán trú.
Mô hình loại trường này được chính thức công nhận khi Quốc hội ban hành Luật Giáo dục năm 2005; sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 và hiện nay là Luật Giáo dục năm 2019.
Trường phổ thông dân tộc bán trú phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: dạy học như các trường phổ thông có cùng cấp học, đồng thời tổ chức việc ăn ở cho học sinh bán trú.
Mức hỗ trợ tiền ăn đối với học sinh tại trường phổ thông dân tộc bán trú được quy định tại khoản 1, Điều 5 của Nghị định 116/2016/NĐ-CP. Cụ thể, mỗi em được hỗ trợ hằng tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng trong một năm học, mỗi tháng 15 kg gạo.
Trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành.
Cả nước có 1.124 trường phổ thông dân tộc bán trú ở gần 30 địa phương với khoảng 2.000 học sinh. Các trường thuộc mô hình này đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong độ tuổi tới trường, tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Có 15,2% số trường phổ thông dân tộc bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp tiểu học đạt 98,9%, cấp trung học cơ sở đạt 92%.
Còn nhiều bất cập
Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục.
Việc cấp học bổng bằng 80% mức lương cơ sở đối với học sinh nội trú và 40% mức lương cơ sở đối với học sinh bán trú là sự ưu tiên đáng kể trong điều kiện ngân sách quốc gia eo hẹp. Tuy nhiên, sau 14 năm thực hiện, chính sách ưu đãi này đã giảm tính hiệu quả do sự biến động giá cả.
Các lãnh đạo và giáo viên của nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú tại nhiều địa phương trong cả nước đều phản ánh một nỗi niềm giống nhau: Với 1,192 triệu đồng cho mỗi học sinh trong một tháng và chia ra cho ba bữa ăn hằng ngày thì nhà trường dù rất cố gắng cũng khó đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của các em trong bối cảnh vật giá leo thang. Thêm vào đó, lương thực - thực phẩm ở miền núi thường có giá cao hơn ở miền xuôi do cộng thêm chi phí vận chuyển.
Với học sinh ở trường bán trú, mức học bổng thấp bằng một nửa học sinh nội trú thì bài toán dinh dưỡng còn khó giải hơn nhiều.
Theo các quy định cũ đã không phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số vị trí phục vụ bữa ăn của học sinh nội trú, bán trú không có trong biên chế của trưởng. Do đó, các trường phải “vận dụng” nhiều cách từ nguồn ngân sách được hưởng để chi trả cho những nhân viên hợp đồng. Vậy là đã khó càng khó hơn.
Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: UBND cấp tỉnh quy định bổ sung chính sách ưu tiên của địa phương đối với trường phổ thông dân tộc nội trú (nếu có), UBND cấp huyện quy định việc hỗ trợ về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí cho giáo viên, học sinh và các hoạt động giáo dục của nhà trường (nếu có).
Vì hai chữ “nếu có” này mà một số địa phương cấp tỉnh, cấp huyện hầu như không đầu tư thêm cho các cơ sở giáo dục đặc thù trên địa bàn. Các trường ở những khu vực này gặp khó khăn hơn so với các trường được địa phương có điều kiện và thể hiện sự quan tâm.
Thêm vào đó, tại một số trường nội trú, đặc biệt là trường bán trú, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với học sinh có lúc bị buông lỏng, không chỉ ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng của các em mà còn gây mất niềm tin trong người dân, làm xấu đi hình ảnh của các cơ sở giáo dục đặc thù vốn mang đậm tính nhân văn ở nước ta.
Sau khi báo chí phản ánh về bữa ăn sáng rất kém chất lượng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), ngày 20/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 15/CĐ-TTg về việc tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát việc tổ chức, thực hiện các bữa ăn cho trẻ em mầm non, học sinh bán trú, nội trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và việc thực hiện các chế độ chính sách khác đối với trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân nếu có vi phạm.
Về vấn đề vĩ mô, Ủy ban Dân tộc đề xuất việc quy hoạch lại tổng thể hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tại các địa phương, phát huy vai trò của hệ thống các trường này trong giai đoạn mới, gắn với lộ trình đổi mới chung của toàn ngành giáo dục và đào tạo. Điều này là nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống trường trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số.
Theo đó, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú cần được tiếp tục củng cố và hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí. Cần tiến hành rà soát, quy hoạch hoàn thiện trường phổ thông dân tộc nội trú phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương, với điều kiện kinh tế - xã hội và dân tộc khác nhau. Các trường phải được quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra theo đúng mục tiêu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Đối với hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, mô hình này cần được tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển trên cơ sở phù hợp với thực tế của địa phương, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững và có chất lượng. Tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú, đảm bảo để các em có điều kiện ăn, ở, học tập và sinh hoạt an toàn; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số và các hoạt động giáo dục đặc thù.
Cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường nội trú, bán trú theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh.