Có thể nói rằng cho đến nay cụm từ "Trường học mới VNEN" không còn xa lạ gì đối với các trường Tiểu học trên toàn quốc, bởi ngoài 1.447 trường thuộc dự án thì rất nhiều trường cũng đang vận dụng mô hình này trong tổ chức dạy học cho học sinh. Đặc biệt tại Hà Nội, mô hình này đã được triển khai rộng khắp và phát triển bền vững ở nhiều trường tiểu học. Đến nay tại địa bàn 30 quận của thành phố Hà Nội đã có 114 trường tiểu học triển khai mô hình trường học mới.
Sau thời gian thực hiện mô hình thí điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá: Tại các trường theo mô hình trường học mới, không khí học tập trong lớp tự nhiên, nhẹ nhàng, thân thiện. Giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn và kết quả học tập, chất lượng giáo dục bước đầu được cải thiện.
Cụ thể, giáo viên đã linh hoạt hơn trong việc tổ chức cho học sinh học tập tài liệu. Thêm vào đó, giáo viên làm quen với cách tự học, tự tra cứu thông tin để đáp ứng yêu cầu của bài học, không phụ thuộc vào sách hướng dẫn như trước kia. Từ đó, tạo điều kiện, cơ hội để giáo viên và ban giám hiệu linh hoạt, sáng tạo trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo con người. Các em học sinh khi áp dụng mô hình thực nghiệm này, tại các lớp học đã thành lập hội đồng tự quản, bước đầu các em đã làm quen với nhiệm vụ của mình…
Những thay đổi tích cực mà chính phụ huynh đang cảm nhận được rõ nét nhất là con em họ chủ động, tự tin, biết hợp tác, biết chia sẻ và có kỹ năng sống tốt. Tại Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng, Hà Nội, tuy trường mới thành lập nhưng đã triển khai ngay mô hình trường học mới và đã nhận được kết quả hết sức khả quan, tích cực đối với học sinh, giáo viên. Anh Phạm Văn Trung Kiên - phụ huynh học sinh trường Tiểu học Sài Đồng cho biết: Điều thay đổi rõ nét nhất của con anh là là khả năng nói chuyện trước đám đông. Ngày trước cháu rất rụt rè, ít khi dám nói chuyện với người lạ, với người nhà cũng ít khi dám tranh luận hay bày tỏ ý kiến. Từ khi học mô hình này, cháu đã bạo dạn và cởi mở hơn. Cháu đã không còn ngại ngần khi bày tỏ quan điểm cá nhân, biết hỏi lại để hiểu rõ vấn đề hơn chứ không phải giao tiếp một chiều bố mẹ nói gì nghe đó như trước. Những thay đổi này khiến bố mẹ cũng phải thay đổi, phải tìm hiểu, suy nghĩ thấu đáo hơn để trả lời các câu hỏi phản biện của cháu.
Không chỉ giúp học sinh chủ động mà mô hình này cũng giúp chính người giáo viên giảng dạy sáng tạo, đổi mới hơn; luôn phải tự bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và trau dồi kiến thức cho bản thân. Theo bà Ngô Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội), việc áp dụng mô hình VNEN không gặp khó khăn gì lớn. Trường tự nguyện áp dụng chương trình VNEN và hiện có 1 lớp 2, 2 lớp 3 và 1 lớp 4. Điều quan trọng nhất với học sinh tiểu học chính là xây dựng cho các con phương pháp tự học, tự nghiên cứu tài liệu học tập, giảm đi sự nhút nhát. Trường hầu như không gặp khó khăn gì khi áp dụng mô hình VNEN và sẵn sàng chuyển hoàn toàn sang dạy theo phương pháp VNEN.
Đến năm học 2014 - 2015, năm thứ 3 thực hiện thí điểm mô hình VNEN, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình với 58 lớp học VNEN tại 17 đơn vị quận, huyện. Con số này dự kiến sẽ tăng lên trong năm học 2051-2016 với khoảng 100 lớp tại tất cả các quận, huyện. Với hình thức khuyến khích - vận động, Hà Nội dự kiến mỗi quận, huyện sẽ thí điểm ít nhất tại 2 trường, và mỗi khối thí điểm ít nhất tại 2 lớp để các thầy cô giáo dễ trao đổi. Đến nay, đã có 3 quận triển khai thí điểm mô hình VNEN là Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Qua thí điểm, mô hình cũng đã khẳng định được tính khả thi, tiên tiến. Các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên và cha mẹ học sinh đã có niềm tin về mô hình nhà trường, về hướng đi cũng như cách làm của VNEN cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai một số hoạt động chủ yếu như: chỉnh sửa tài liệu hướng dẫn thực hiện mô hình VNEN cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học. Cùng với đó là hoàn thiện tài liệu cho các trường sư phạm, in và tổ chức tập huấn cho các trường đại học và cao đẳng sư phạm tham gia dạy thí điểm tài liệu sư phạm. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng tập huấn theo hướng tập trung vào tổ chức học tập cho học sinh và đánh giá học sinh; chỉ đạo phát triển hệ thống các trường điểm VNEN, đủ khả năng trở thành trung tâm bồi dưỡng của các địa phương.