Sách giáo khoa theo mô hình trường học mới

Ở Việt Nam hiện nay, bậc tiểu học nói riêng và phổ thông nói chung đang tồn tại 4 mô hình trường học cơ bản: Mô hình trường học truyền thống, mô hình trường học của Đề án đổi mới căn bản toàn diện (CT2018), mô hình trường học mới (VNEN) và mô hình trường học quốc tế của các trường học tư thục có yếu tố nước ngoài.

Mô hình của Đề án đổi mới căn bản toàn diện hướng tới mục tiêu tiếp cận theo đầu ra, hay còn gọi giáo dục định hướng kết quả, định hướng đầu ra năng lực. Chương trình mới chuyển sang cách tiếp cận năng lực, nhằm phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Học sinh Trường Tiểu học Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh hứng khởi học trong mô hình trường học mới. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN

Đó là cách tiếp cận nêu rõ học sinh sẽ làm được gì và làm như thế nào vào cuối mỗi giai đoạn học tập trong nhà trường. Vì thế những hạn chế và bất cập trong mô hình truyền thống đã cơ bản được khắc phục trong mô hình này.

Theo ông Đặng Tự Ân - Chuyên gia trưởng Dự án mô hình Trường học mới, mô hình VNEN là sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống, được xây dựng và phát triển dựa trên quan điểm giáo dục định hướng năng lực người học, trong đó coi trọng giáo dục lấy người học làm trung tâm, tức là trùng hợp quan điểm với mô hình Đề án.

Các đặc trưng cơ bản của mô hình VNEN thể hiện đầy đủ xu thế của giáo dục hiện đại trên thế giới, phù hợp tinh thần Nghị quyết về đổi mới giáo dục cũng như dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mô hình VNEN và mô hình Đề án có quan hệ khăng khít, về cơ bản có sự tương đồng về các thành tố mục tiêu giáo dục, các phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục; đánh giá kết quả giáo dục. Nói chung, các môn bắt buộc trong mô hình của Đề án cũng là các môn học của mô hình VNEN, chỉ có khác ở một số môn học tự chọn.

Vì thế, có thể nói, mô hình VNEN thực chất là một cách tiếp cận, thể nghiệm mô hình Đề án. Trong tương lai, khi triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, sau năm 2018, thì các kinh nghiệm của Dự án GPE-VNEN sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Đó là kế thừa một bộ sách giáo khoa ở giai đoạn giáo dục cơ bản theo định hướng của mô hình VNEN, bên cạnh các bộ sách giáo khoa khác.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), sách dùng cho học sinh theo mô hình Trường học mới (VNEN) môn Khoa học là một trong những tài liệu được soạn thảo theo quan điểm mới, tiên tiến của giáo dục hiện đại - lấy học sinh làm trung tâm. Đây là một trong những mô hình sách giáo khoa mà các nhà giáo dục cần nghiên cứu để phát huy điểm tốt, khắc phục những điểm còn hạn chế của mô hình này.

Về nội dung, nhất là về mặt sư phạm, mô hình VNEN dựa trên cơ sở tích hợp thành quả thực tiễn giáo dục của Việt Nam qua 20 năm đổi mới; có sự cộng hưởng từ nhiều kết quả thí điểm của các Chương trình, Dự án. Đặc biệt, mô hình này đã lồng ghép "Phương pháp bàn tay nặn bột" (Viện hàn lâm Pháp), dạy học Mỹ thuật (Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội), Tổ chức sinh hoạt chuyên môn (Tổ chức JICA của Nhật Bản)... thành các nội dung hoạt động chính của mô hình.

Mô hình VNEN tiếp cận theo Chương trình đầu ra năng lực, nội dung giáo dục về khoa học xã hội và văn hóa dựa theo truyền thống đất nước Việt Nam. Phương pháp dạy học chủ đạo là kiến tạo (học qua trải nghiệm, hoạt động, tương tác và giải quyết vấn đề). Tài liệu hướng dẫn học sinh tự học ở mô hình VNEN có cấu trúc gồm 3 hoạt động và sau đó điều chỉnh đổi thành 5 hoạt động.

Học sinh sẽ được tổ chức học nhóm theo quy trình: Hoạt động cá nhân và nhóm. Môn Khoa học được áp dụng dạy và học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Hoạt động Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch - sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học của Tổ chức JICA (Nhật Bản), tổ chức Hội đồng tự quản học sinh từ kinh nghiệm của gần 20 năm đổi mới về các hoạt động xã hội trong lớp nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Theo ông Đặng Tự Ân, mô hình VNEN là một cách tiếp cận, một thể hiện bước đầu cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam nên mô hình này phù hợp với giai đoạn đổi mới của giáo dục. Đồng thời mô hình được triển khai một thời gian dài (gần 10 năm) trên diện rộng các trường tiểu học; các nhà trường đã quen thuộc, được tập huấn, được trải nghiệm từ mô hình VNEN và rút ra nhiều bài học thực tế.

Do đó khi áp dụng mô hình VNEN như là sự chuyển đổi trong mô hình của Đề án chắc chắn sẽ có hiệu quả cao, chi phí tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên thấp vì chỉ cần bồi dưỡng về nội dung dạy học trong tài liệu Hướng dẫn tự học cho học sinh.

TTXVN/Tin Tức
Mô hình trường học mới: Cần sự vào cuộc đồng bộ
Mô hình trường học mới: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Năm học 2015 – 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang triển khai mô hình trường học mới (VNEN) với học sinh cấp THCS (lớp 6).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN