Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo trường đại học… đã chỉ ra thực trạng và nguyên nhân khiến điểm đầu vào của ngành sư phạm thấp và đề xuất hướng đi cho tuyển sinh và đào tạo sư phạm trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chiều 16/8, Bộ GD – ĐT đã có buổi làm việc với các trường đại học sư phạm trên cả nước để cùng nhau thẳng thắn nhìn nhận những bất cập của việc tuyển sinh và đào tạo sư phạm. Những giải pháp mà Bộ cũng như các trường thống nhất được là cắt mạnh chỉ tiêu, quy hoạch trường yếu thành vệ tinh, thậm chí đóng cửa ngành đào tạo yếu. Thay vì tuyển mới và đào tạo, các trường sẽ phải đẩy mạnh nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ hiện hành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra các giải pháp cụ thể như: Bộ sẽ cùng Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát những bất cập trong quá trình tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Về hiện tượng số lượng giáo sinh tốt nghiệp nhiều năm đang thất nghiệp hoặc “xếp hàng chờ biên chế”, Bộ sẽ chỉ đạo các trường sư phạm và những ngành liên quan nhu cầu cần lao động như công nghệ thông tin hay du lịch, có chương trình như chuyển thông qua bổ túc tín chỉ.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: Ngay khi triển khai, các chương trình hành động về đổi mới giáo dục đã khẳng định giáo viên là yếu tố quyết định. Hiện tại, phương thức thi cử, hệ thống sách giáo khoa đã đồng bộ; tuy nhiên, nhân tố quyết định là con người, cụ thể ở đây là đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của ngành giáo dục. Trước đây giáo viên “cũ” đã được tập huấn và đào tạo, nhưng với chương trình, sách giáo khoa mới, thì phải tiếp tục tập huấn nhiều lần để giúp giáo viên có thể cập nhật kiến thức.
Theo Phó Thủ tướng, nếu giữ cơ chế như cũ thì đồng nghĩa với việc nhiều giáo viên đã vào được biên chế, sẽ không tiếp tục phấn đấu, cập nhật kiến thức, đổi mới. Trong khi không có cách nào để đưa họ ra khỏi biên chế. “Tôi chia sẻ với Bộ trưởng trước lo ngại thói quen “vào được rồi” trong công chức nói chung. Do đó cần tập nếp cho các giáo viên luôn có tính cập nhật. Nếu không đổi mới, cập nhật thì không có chuyện biên chế suốt đời”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, hiện nay, đội ngũ giáo viên cơ bản có chất lượng tốt, nhưng vẫn còn một bộ phận năng lực kém, chưa được cập nhật. Rõ ràng có một bộ phận không đáp ứng yêu cầu nhất khi đổi mới. Trong đó, có lý do liên quan đến chất lượng đào tạo trong hệ thống sư phạm. Có nơi đào tạo nhiều và do địa phương quản lý là chính, Bộ chỉ quản mấy trường lớn. Trong khi, những trường đào tạo các ngành khác có thuộc tính là được mở ra loại hình chất lượng cao, tiên tiến, đào tạo học phí cao hơn nên giải quyết được những khó khăn về kinh tế. Nhưng ngành sư phạm thì rất hạn chế việc này.
“Thực tế, việc phân bổ nhân lực giáo viên có tính địa phương, phần lớn người ở tỉnh nào thì học và dạy ở tỉnh đó. Nếu không chú ý chất lượng đào tạo sư phạm ở các tỉnh, thì sẽ ảnh hưởng lâu dài của cả tỉnh đó. Nếu giáo viên đào tạo tốt thì giáo dục địa phương tốt lên và ngược lại”, Phó Thủ tướng chỉ ra.
Một nguyên nhân được Phó Thủ tướng chỉ ra là hiện nay sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm các cấp ra, kể cả tốt nghiệp đại học, cũng vẫn xin việc khó. Nhiều trường phổ thông có giáo viên dạy hợp đồng đợi rất nhiều năm không có biên chế để vào. Vừa qua, một số tỉnh khi xét biên chế buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhiều giáo viên trẻ và nhiều người tâm tư.
“Qua tất cả ý kiến, đợt tuyển sinh vừa rồi có câu chuyện tại sao điểm vào trường cao đẳng một số trường đại học, cao đẳng ngành sư phạm thấp như vậy. Vì có quy định môn chính, môn phụ và quy ngược lại có nơi lấy điểm chuẩn dưới cả điểm sàn. Rõ ràng sinh viên sư phạm phải là người học giỏi. Không phải do chất lượng đào tạo sư phạm là kém so với các nơi. Có một số trường sư phạm tốt cả điều kiện và lực lượng, các giảng viên và những người tâm huyết và giỏi mà nguyên nhân chính là do đào tạo sư phạm ra xong thì ra trường khó tìm việc. Bằng công khai, người dân biết học cái nào xin được việc và không xin được việc. Nơi nào, ngành nào đào tạo xin được việc làm lương cao và biên chế ổn định thì nhiều người vào”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra.
Xác định mặt bằng các trường sư phạm
Giải pháp của vấn đề này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra là Bộ GD- ĐT cần đánh giá sát biên chế từng cấp, từng nơi. Bộ phải rà soát toàn bộ số biên chế, xem nơi nào còn thiếu, qua đó xem xét chuẩn hóa, nâng dần trình độ lên ở cấp đại học. Hiện nay số liệu các tỉnh đều có cả, Bộ GD- ĐT chỉ cần tổng hợp, phân tích.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD- ĐT phải có đợt đánh giá ít nhất ở mức xác định được mặt bằng các trường sư phạm ở các địa phương. Điều này rất quan trọng, bởi với địa phương nhiều trường thì phải biết trường nào đủ năng lực, cộng với nhu cầu xã hội, từ đó có định hướng quy hoạch lại theo hướng cấp trường, phân bố đảm bảo đủ, không thiếu. Qua đó nhanh chóng sắp xếp lại các trường này. Hướng tới có những trường trọng điểm. Từ đó các trường trọng điểm liên kết mở chi nhánh địa phương.
Điểm cuối cùng mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị là Bộ GD – ĐT bàn với các trường sư phạm để đưa ra phương án đặt hàng. Bởi bấy lâu cứ nói phương án đặt hàng nhưng đã mấy năm nay rồi chưa có hợp đồng đặt hàng nào cả.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu dẫn chứng, vừa qua, đích thân ông đã phải nhờ Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiên phong biên soạn đề án đặt hàng trong đào tạo nông nghiệp. Cứ nói Nhà nước đặt hàng giao nhiệm vụ nhưng chưa có mẫu nào. Đề nghị Bộ trưởng làm đặt hàng đầu tiên với ngành sư phạm bởi đổi mới quản trị đại học, trong đó có cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ. Trong năm nay Bộ GD – ĐT phải làm những vấn đề này.
Phó Thủ tướng cho rằng cần phải bắt đầu từ một cái cụ thể nhân rộng ra được. Đồng thời đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để thực hiện.
“Tôi nhắc lại thống nhất nguyên tắc, mà không ra hướng dẫn cụ thể cho các trường làm, thì các trường khi thực hiện cũng loay hoay. Cần chia sẻ với các giáo viên đang dạy các trường sư phạm. Không phải các nơi kém đều do giáo viên kém. Trong đổi mới cũng có những bộ phận cục bộ, nhưng tinh thần không phải vì 8.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên đang công tác tại các trường ĐH, CĐ sư phạm, mà coi nhẹ đào tạo giáo viên”.
Kết thúc buổi họp này Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ cam kết với Phó Thủ tướng sẽ từng bước thực hiện chỉ đạo này và đẩy nhanh quá trình để có kết quả như mong đợi.