Nhiều nơi đã phản ánh về tình hình thực hiện Thông tư 30 với những kết quả không mấy khả quan. Thứ trưởng nhìn nhận ra sao về thực tế này?Khi áp dụng một cách làm mới, chắc chắn sẽ có những phản hồi tích cực và không tích cực. Nhưng nếu thấy khó mà không đổi mới thì mãi giáo dục sẽ lạc hậu. Vì vậy, mới cần có những thảo luận, họp bàn nhằm chia sẻ những vướng mắc từ thực tế. Từ đó sẽ dần tháo gỡ những khó khăn.
Có thể thấy khó khăn lớn nhất là nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh chưa thay đổi. Đó là vẫn quen với phương pháp chấm điểm. Tinh thần của Thông tư 30 là không đặt nặng điểm số. Cách chấm điểm trước đây ở bậc tiểu học bị phản ứng là học sinh bị quá tải, áp lực điểm số. Nay Thông tư 30 giải quyết được vấn đề này nhưng lại có nhiều ý kiến cho rằng học sinh không có động lực để học. Do đó, cũng cần nhìn nhận lại những phản biện này.
Bên cạnh đó, một số cán bộ quản lý giáo dục còn chưa tích cực đổi mới trong công tác quản lý chất lượng chuyên môn, dẫn đến việc chỉ đạo vẫn gây áp lực, quá tải cho giáo viên. Để thực hiện đổi mới đánh giá thành công đòi hỏi các thầy, cô giáo cũng phải có năng lực để tự chủ, bởi nếu không chủ động bắt tay vào làm thì không thể lường trước được hết những khó khăn.
Thời gian tới, Bộ sẽ làm gì, thưa Thứ trưởng?
Bộ GD - ĐT sẽ tiếp thu ý kiến của các nhà giáo, nhà khoa học và giáo viên, rút kinh nghiệm để Thông tư 30 được thực hiện ngày càng tốt hơn. Điều quan trọng nhất là làm sao đổi mới nhận thức của cả đội ngũ quản lý giáo viên, phụ huynh.
Bộ cũng vừa có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện Thông tư 30 khi năm học kết thúc.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!