Tết khuyến học – Gìn giữ ngọn lửa hiếu học từ mỗi nếp nhà

Đã trở thành truyền thống, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhiều gia đình, dòng họ, khu dân cư trên khắp các vùng miền lại háo hức, sôi nổi với phong trào Tết khuyến học. Đây là dịp để tôn vinh truyền thống hiếu học và kỳ vọng về một năm mới với nhiều thành công mới.

Thúc đẩy phong trào khuyến học mỗi gia đình, dòng họ

Năm nào cũng vậy, ngày mùng 2 Tết, tại nhà ông Nguyễn Vương (Thành phố Hưng Yên, Hưng Yên), con cháu lại tề tựu đông đủ để chúc Tết đầu năm và đặc biệt, để báo cáo thành tích học tập, làm việc trong một năm qua.

Hàng chục tỷ đồng tiền học bổng đã được trao cho học sinh sinh viên nghèo vượt khó trong các chương trình Tết khuyến học. Ảnh: Dân Trí

Ông Nguyễn Vương năm nay đã ngoài 80 tuổi, từ khi nghỉ hưu ông đã xây dựng quỹ khuyến học gia đình, ông trích từ lương hưu hàng tháng để tặng quà cho các cháu chắt có thành tích học tập, công tác tốt. Ông có tất cả 8 người cháu nội và ngoại, nhiều cháu đã lập gia đình và ông đã có chắt. Nhưng không năm nào, ông quên dành phần quà đặc biệt “mừng tuổi” cho các cháu. Các cháu đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia; các cháu đã đi làm, được nhận bằng khen hoặc thành tích đặc biệt nơi làm việc đều được ông tặng quà. Sau khi chúc mừng năm mới, ông Nguyễn Vương thường dành tặng các con cháu, chắt một bài thơ, tổng kết các hoạt động trong gia đình trong năm, nhấn mạnh đến thành tích của các con, cháu, chắt. Tiếp đến, cả gia đình cùng nhau đến Văn miếu Xích Đằng – nơi tôn vinh học vấn của người dân Phố Hiến xưa để dâng hương, thể hiện sự tôn sư trọng đạo.

Ông Nguyễn Vương tâm sự: Tết khuyến học đã trở thành truyền thống từ lâu của gia đình ông, được các con, cháu nhiệt tình hưởng ứng. Đây là dịp để cả gia đình quây quần bên mâm cơm ngày Tết và giữ gìn ngọn lửa hiếu học trong mỗi người con của dòng họ.

Anh Phạm An, cháu ngoại của ông Vương chia sẻ: Từ khi đi học và bây giờ đã đi làm, năm nào anh cũng nhận được quà từ ông ngoại vào dịp Tết. Phần quà tuy không lớn nhưng mang lại niềm vui cho anh cũng như anh chị em khác trong gia đình. Những món quà ấy phần nào trở thành động lực thôi thúc mọi người phấn đấu, không phụ lòng mong mỏi của ông.

Tết khuyến học không chỉ là hoạt động của riêng gia đình ông Nguyễn Vương mà đây là hoạt động của nhiều gia đình, dòng họ vào dịp đầu Xuân. Trong những năm gần đây, phong trào khuyến học, khuyến tài ở các dòng họ đã phát triển rộng khắp trên cả nước. Việc noi gương sáng trong học tập của con em luôn được dòng họ quan tâm bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, vận động, lập bảng vàng, lập quỹ khuyến học, khuyến tài, tổ chức trao thưởng.

Ông Lê Ba, tuổi ở Xuân Lai – Gia Bình – Bắc Ninh đã có 8 năm tham gia vào công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ, thôn làng. Hàng ngày, ông miệt mài đi tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp vào quỹ khuyến học, khuyến tài để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ông tham mưu cho Ban khuyến học dòng họ, hàng năm tổ chức phát động xây dựng quỹ khuyến học vào ngày giỗ Tổ 20 tháng Giêng âm lịch, mức huy động vừa phải để mọi người cùng tham gia. Mỗi suất đinh chỉ đóng góp 5.000 đồng cho quỹ khuyến học, còn lại phát động con em thành đạt trong họ ủng hộ quỹ. Với cách làm này, mỗi năm, dòng họ Lê Văn của ông có quỹ khuyến học từ 20-30 triệu đồng, dành để thưởng cho con em trong họ có thành tích trong học tập. Bình quân mỗi năm, dòng họ trao thưởng cho 120 cháu có thành tích, tuy giá trị phần thưởng không nhiều nhưng có giá trị nhân văn rất lớn.

Lan tỏa trong cộng đồng, xã hội

Từ phong trào của mỗi gia đình, dòng họ, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã triển khai phong trào “Tết khuyến học”, nhằm đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa là tỉnh có bề dày truyền thống trọng học, mến tài. Tại Thanh Hóa, Tết khuyến học được tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp văn hóa góp phần động viên, khích lệ học sinh, sinh viên khá giỏi, đạo đức tốt, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vinh danh những người con thành đạt có tấm lòng hảo tâm đối với quê nhà.


Tết khuyến học xứ Thanh được tổ chức sâu rộng ở nhiều huyện, thị, thành phố, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa phong trào khuyến học, khuyến tài toàn tỉnh, kêu gọi toàn xã hội, đặc biệt là những người con Thanh Hóa đang công tác tại khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài chăm lo cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Năm 2008, doanh nhân Doãn Tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuất khẩu Thủy sản Nam Việt đã dành 1 triệu USD xây dựng quỹ khuyến học mang tên ông tại Thanh Hóa. Sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, ban điều hành quỹ đã trao học bổng cho hàng chục nghìn học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi. Cùng với đó, năm 2015, Quỹ khuyến học khuyến tài Lê Khả Phiêu do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sáng lập chính thức đi vào hoạt động với số tiền ban đầu 5 tỷ đồng đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho nhiều học sinh, sinh viên nghèo trong toàn tỉnh thực hiện ước mơ đến trường.

Tại Nghệ An, năm 2018 là năm thứ 15, tỉnh tổ chức phong trào Tết khuyến học. Tết khuyến học Nghệ An được phát động từ Rằm tháng chạp năm Đinh Dậu đến Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018 với nhiều hoạt động ý nghĩa như vận động xây dựng, phát triển các loại hình Quỹ khuyến học, trao thưởng khuyến học cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt, học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Ông Trần Xuân Bí, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An cho biết: Hội Khuyến học tỉnh đề nghị các địa phương đăng ký và phấn đấu để 80% gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, 70% dòng họ, cộng đồng dân cư đạt danh hiệu dòng họ học tập, cộng đồng học tập. Bên cạnh đó, các cấp hội khuyến học chung tay với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp cùng chăm lo cho học sinh, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đến trường, không bỏ học giữa chừng.

Phong trào Tết khuyến học đã góp phần tạo nên động lực để mỗi học sinh, sinh viên, mỗi gia đình, dòng họ ở khắp các vùng, miền trên cả nước viết tiếp trang sử về truyền thống hiếu học của con người Việt Nam.

Việt Hà/TTXVN
Khuyến học khơi nguồn sự nghiệp “trồng người”
Khuyến học khơi nguồn sự nghiệp “trồng người”

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc học hành, tiếp bước các em đến trường luôn là vấn đề nan giải, được ngành giáo dục, Hội Khuyến học tỉnh quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN