“Lộ trình” của sự chuyển đổi này phải tính từ những năm 1960, đặc biệt từ năm 1993 với định hướng đã được nhiều thế hệ “thuộc lòng” như khẩu hiệu: Mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 đến 2 con. Nhờ những cố gắng và nỗ lực trong việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong thời gian qua, mà tốc độ gia tăng dân số của nước ta đã giảm từ hơn 2% năm 1993 xuống còn 1,08% hiện nay. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm mạnh từ 3,7 năm 1992 xuống 2,1 năm 2006 - đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra và duy trì cho đến nay. Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020 - 2030 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc triển khai kế hoạch hoá gia đình cũng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề ở quy mô gia đình và toàn xã hội. Không ít gia đình, nhất là gia đình công chức, đảng viên, phải chấp nhận các hình thức xử lý kỷ luật, phải tìm đến các giải pháp, từ “đẻ chui”, khai man lý lịch, tới rời bỏ biên chế, dừng con đường sự nghiệp, thậm chí ly hôn rồi tái hôn... Tại một số địa phương, còn có hiện tượng “phạt tiền, phạt thóc” khi các gia đình đăng ký khai sinh những đứa con thứ ba, thứ tư.
Ở quy mô xã hội, tâm lý “trọng nam” còn tồn tại song song với việc phải khống chế số lượng con trong mỗi gia đình, làm nảy sinh hiện tượng lạm dụng công nghệ, chọn lọc giới tính khi sinh, khiến tình trạng mất cân bằng giới tính ngày một đáng báo động. Thêm vào đó, “tháp vàng dân số” có nguy cơ không giữ được lâu dài, khi Việt Nam đang được thế giới xếp vào nhóm các nước có tốc độ già hoá dân số nhanh. Những nơi điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn thì mức sinh cao, trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi rất thấp, khiến chất lượng dân số bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Dân số là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: Công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số. Nghị quyết hướng tới mục tiêu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế, mỗi gia đình được vận động nên có 2 con, đặc biệt ở những vùng còn có mức sinh thấp; đưa tỉ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển.
Như vậy, “vỡ kế hoạch” sẽ không còn là nỗi ám ảnh trong các gia đình. Dựa trên nhu cầu và điều kiện riêng, trên cơ sở nhận thức ngày càng cao hơn về tầm quan trọng của dân số đối với sự phát triển chung của mỗi gia đình và toàn xã hội, mỗi gia đình sẽ có những quyết định đúng đắn, đảm bảo không hiểu nhầm là “không hạn chế số con”, dẫn tới bùng nổ dân số. Việc chuyển trọng tâm từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển, có nghĩa là coi trọng vấn đề chất lượng dân số, thể hiện sự tiến bộ, nhân văn trong chính sách dân số, đáp ứng tâm nguyện của người dân, nên được đông đảo nhân dân đồng tình và ủng hộ. Với sự đồng tình và ủng hộ đó, tin rằng công tác dân số sẽ thực sự là “nhiệm vụ của toàn dân”, được người dân tự nguyện thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm, cũng như sẽ được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống, tạo nên đòn bẩy và động lực mới, phát huy được tỷ lệ vàng của tháp dân số, phục vụ cho sự phát triển bền vững, lâu dài của quốc gia.