Chuyện “hộp đen” xe khách

Cuối cùng thì mốc từ 1/7, lực lượng thanh tra giao thông cả nước ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc lắp thiết bị giám sát hành trình xe khách (hộp đen) đã không thể thực hiện. Thông tin với báo giới, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, hiện mới có 20.000 trong tổng số 48.000 xe trong diện phải lắp “hộp đen” được nối mạng, số còn lại phải đến trung tuần tháng 7 mới hoàn thành. Do vậy, việc xử lý xe vi phạm sẽ phải lùi lại đến 1/8/2013.

 

Lắp “hộp đen” cho xe khách là quy định bắt buộc theo Nghị định 91 của Chính phủ và Thông tư 14 của Bộ GTVT sau hàng loạt tai nạn giao thông thảm khốc mà cơ quan chức năng không thể tìm ra nguyên nhân. Mục đích của việc lắp “hộp đen” nhằm ghi lại hành trình, tốc độ, thời gian làm việc của lái xe… để các chủ xe khách biết được các tài xế của mình chấp hành luật lệ giao thông như thế nào.


Rậm rịnh chuẩn bị suốt một năm (1/7/2012), nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể xây dựng được bộ khung pháp lý để làm cơ sở cho việc xử phạt xe vi phạm. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít địa phương chưa có hệ thống máy chủ theo dõi và trên các quốc lộ, cũng chưa có trạm hoặc trung tâm kiểm soát hoạt động của xe khách thông qua “hộp đen”; lực lượng cảnh sát giao thông cũng chưa được trang bị những phương tiện cần thiết để phát hiện, xử lý vi phạm... Qua thí điểm kiểm tra, có không ít doanh nghiệp lắp “hộp đen” chỉ nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn thông qua “hộp đen” để giám sát lái xe của mình cũng không dễ và vẫn bị lái xe qua mặt.


Rất nhiều bến xe khách thực hiện quy định chỉ cho xuất bến xe đã gắn “hộp đen”. Tuy nhiên, khi thực hiện đã gặp không ít trắc trở, vì mỗi doanh nghiệp lắp đặt loại “hộp đen” khác nhau (cả nước có tới 52 doanh nghiệp sản xuất “hộp đen”) và mỗi loại có những cổng thông báo dữ liệu cũng khác nhau. Nhiều lái xe tỏ ra rất tự tin vì xe đã gắn “hộp đen”, nhưng không có cổng kết nối để trích xuất dữ liệu. Một số lái xe lại không biết xe có gắn “hộp đen” hay không, rồi cũng không biết “hộp đen” nằm ở đâu; thậm chí, có xe gắn “hộp đen” nhưng không có cổng kết nối để trích xuất dữ liệu…


Rõ ràng, để cỗ máy “hộp đen” vận hành trơn tru thì còn rất nhiều việc phải làm. Vấn đề đặt ra, chỉ phương diện kỹ thuật thôi chưa đủ. Điều quan trọng và có tính quyết định vẫn là ý thức tự giác của các doanh nghiệp, các chủ phương tiện khi thực hiện chủ trương này. “Hộp đen” sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi doanh nghiệp không tự ý thức được mối nguy hiểm, không thường xuyên giáo dục lái xe ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Sẽ càng vô nghĩa nếu trên xe có “hộp đen” mà các doanh nghiệp chỉ lấy đó làm vì, vẫn đặt lợi nhuận lên trên hết, quay vòng xe nhanh, bắt lái xe chạy quá số giờ quy định. Nếu như lực lượng kiểm tra không làm tròn trách nhiệm, vẫn nhân nhượng, thỏa hiệp với người vi phạm để trục lợi; người vi phạm vẫn có thể chọn giải pháp "gọi điện thoại cho người thân",... thì “hộp đen” cũng dễ dàng bị vô hiệu hóa.


Đây mới chính là câu hỏi cần lời giải cho bài toán “hộp đen” lúc này.

 

Yến Nhi

Chuyện “hộp đen” xe khách

Cuối cùng thì mốc từ 1/7, lực lượng thanh tra giao thông cả nước ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc lắp thiết bị giám sát hành trình xe khách (hộp đen) đã không thể thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN