Vật liệu polyme – một sản phẩm của dầu mỏ từ những năm giữa thế kỷ XX với sự chuyển mình của cuộc cách mạng hóa học - đã tạo ra tiền để dẫn tới sự xuất hiện một trong những “phát minh” đem lại sự tiện ích trong đời sống con người, đặc biệt là các bà nội trợ: Những chiếc túi nilon. Mỏng, nhẹ, bền dai, túi nilon có thể chứa đựng từ vật phẩm khá to, tới củ hành, quả ớt…nhỏ xíu. Giá thành rất rẻ, nên nhanh chóng, túi nilon hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội, từ đô thị đến nông thôn và cả những vùng xa xôi, hẻo lánh. Tại các siêu thị lớn, các chợ đầu mối, ngay cả các cửa hàng sang trọng, túi ni lông luôn được sử dụng. Mỗi bà nội trợ, trung bình một buổi đi chợ sẽ xách về từ 1-3, thậm chí nhiều hơn, số túi nilon các loại. Số túi này có thể được tận dụng hoặc đơn giản là xả luôn vào thùng rác.
Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi hộ dân nước ta sử dụng và thải bỏ 4 túi ni lông mỗi ngày (tức khoảng 1 túi/người/ngày). Như vậy, mỗi ngày, đã có hàng chục triệu túi nilon được thải ra môi trường. Mỗi năm toàn dân sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông. Chỉ khoảng 17% số túi được tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng xong một lần.
Bên cạnh túi nilon, cuộc sống hiện nay cũng tràn ngập các các sản phẩm khác từ nhựa: Chai, lọ, cốc đựng nước, hộp xốp đựng thức ăn, ống hút, dao thìa dĩa dùng một lần, xô chậu, thùng, vỏ bút bi, chai truyền dịch trong y tế, xi lanh tiêm, tấm lợp nhựa, vỏ dây điện, bao bì xác rắn, …
Khoan chưa nói đến những nguy cơ tác động trực tiếp tới sức khỏe con người khi sử dụng thức ăn chứa trong các đồ vật sử dụng một lần làm từ nhựa. Chỉ tính riêng số lượng các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa thải ra môi trường, trong đó túi nilon chiếm đa số, đã thấy môi trường bị bủa vây và tấn công như thế nào bởi rác thải nhựa. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra, trôi nổi trên các đại dương.
Trong môi trường tự nhiên, một túi nilon cần vài trăm năm đến một nghìn năm mới có thể phân hủy hết. Không được thu hồi hoặc chôn lấp, xử lý đúng cách – mà thường xuyên là như vậy - loại túi này gây ô nhiễm đất và nước, từ đó ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Còn nếu có được chôn lấp, rác thải nhựa lẫn vào đất tồn tại hàng trăm năm sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Rác thải nhựa bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn. Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Do bị cọ xát, dưới tác động của nước biển, của tia cực tím, rác nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người. Do đó, ngành thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi lượng rác thải này và phải mất rất nhiều phí tổn để khắc phục.
Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người, vì còn có các kim loại nặng có trong phụ gia tạo màu và các độc chất hóa học và các độc chất sinh học như các vi khuẩn gây bênh sinh học còn tồn lại sau khi sử dụng bao bì nhựa. Thực tế, nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi đốt sẽ tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường, kể cả sinh chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch.
Hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, rác thải nhựa ngày càng tác động tiêu cực đế hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Từ rất sớm, Đảng và Chính phủ ta đã có các đề án, chính sách, nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa và túi nilon, trong đó có những yêu cầu mục tiêu cụ thể đối với chất thải rắn đô thị, từ phân loại tới tái chế, thu hồi năng lượng… Đặc biệt là các chính sách nhằm tăng cường nghiên cứu, sản xuất các loại túi, bao gói dễ phân hủy trong tự nhiên thay thế túi, bao gói khó phân hủy. Đồng thời, các quy định, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường liên quan đến chất thải rắn cũng được ban hành, cùng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam cũng đã tham gia ký kết các hiệp ước, công ước quốc tế liên quan đến quản lý chất thải như: Công ước Basel về kiểm soát chất thải xuyên biên giới và việc tiêu huỷ chúng; Công ước Liên hợp quốc về Luật biển; Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu của Việt Nam; Chương trình môi trường Liên hợp quốc...
Những nỗ lực này đã và đang đưa đến các kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý chất thải, quản lý túi nilon trong môi trường tại Việt Nam. Các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương đã vào cuộc nhằm hạn chế sản xuất, tiêu thụ túi nilon, tăng cường các sản phẩm thay thế. Hiện nay nhiều siêu thị trên cả nước đã sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay cho túi ni lông khó phân hủy. Có những siêu thị, cửa hàng quay về với cách gói thực phẩm, đồ ăn bằng lá cây thiên nhiên. Nhiều nhà hàng sử dụng các ống hút hữu cơ làm từ bột mì, bã mía để thay thế ống hút nhựa. Nhiều người dân thay vì mua chai nước đóng sẵn, thì mang bình có sẵn đi. Thói quen tiêu dùng sử dụng túi nilon và các sản phẩm dùng một lần từ nhựa giảm hẳn.
Tuy nhiên, trên thực tế, đây đó vẫn còn những khó khăn, vướng mắc với việc xử lý chất thải rắn, trong đó có nhựa. Ở góc độ quản lý nhà nước, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (trong đó có rác thải nhựa) còn gặp nhiều khó khăn; đầu tư cho quản lý, xử lý chất thải rắn còn chưa tương xứng. Về tổ chức, quản lý: Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt được giao từng phân đoạn quản lý cho các Bộ, ngành, địa phương cùng tham gia quản lý nên vẫn còn có sự bất cập, chưa thống nhất và đồng bộ trong quản lý chất thải từ Trung ương tới địa phương. Cơ chế thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (trong đó có chất thải nhựa) còn thiếu và chưa thu hút được các nguồn lực. Việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy còn thấp, dẫn tới tình trạng các loại túi ni lông thân thiện với môi trường dù được miễn thuế bảo vệ môi trường nhưng giá vẫn cao hơn giá thành túi ni lông thông thường.
Điều đáng nói là nhận thức của người dân trong thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nhựa và túi ni lông còn nhiều hạn chế, thói quen sử dụng túi ni lông còn phổ biến. Do túi ni lông thân thiện với môi trường có giá thành cao, nên người dân hiện nay, đặc biệt là khu vực nông thôn vẫn sử dụng túi ni lông truyền thống. Thực tế này có một phần nguyên nhân là công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng đã được quan tâm thực hiện nhưng chưa liên tục, đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao; bên cạnh đó là giá thành túi thân thiện môi trường chưa được hạ do những nguyên nhân nêu trên.
Chính vì vậy, để bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất trước sự bủa vây và tấn công của rác thải nhựa, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng rác thải nhựa nói chung và túi nilon nói riêng. Mỗi người dân trước khi thực hiện một hành vi tiêu dùng, dù rất nhỏ như dùng túi khi mua con cá, mớ rau, hay sử dụng một ống hút giải khát, cần có một khoảnh khắc tự “dừng” bản thân, cân nhắc xem có lựa chọn tốt hơn cho môi trường hay không.
Đương nhiên, để hỗ trợ họ, cần các giải pháp đồng bộ của nhiều bộ ngành và địa phương như định hướng, hỗ trợ hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni lông thân thiện với môi trường để thay thế; ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất các loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu/nộp thuế bảo vệ môi trường và chống gian lận thương mại để bảo hộ các sản phẩm đã được công nhận thân thiện với môi trường; vận động và kiểm soát việc các doanh nghiệp “nói không” với các túi nilon khi bán hàng…
Tin rằng không chỉ mỗi người tiêu dùng, mà mỗi cấp mỗi ngành, khi thực sự ý thức được mối nguy từ “ô nhiễm trắng” sẽ có những hành động thiết thực và cấp bách, để cứu môi trường sống quanh mình và cả trái đất.