Trong tháng 9/2019, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin về hiện tượng “bầu trời mù mịt” liên tục xuất hiện.
Tại TP Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc ở 30 vị trí cho thấy trong không khí có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO. Cao điểm là ngày 20/9, bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần, còn bụi mịn PM10, PM 2.5 gia tăng từ 1,9-2,2 lần. Sáng 26/9, người dân nhìn thấy toàn màu trắng đục trên bầu trời. Các công trình cao tầng nổi tiếng như tòa nhà Landmark 81 hay Bitexco trông mù mịt từ xa. Còn tại Hà Nội, theo số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, trong những ngày qua, chất lượng không khí ở nhiều thời điểm trong ngày ở mức "kém", trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi. Bảng điện tử đặt tại một số điểm thông báo chất lượng không khí thường xuyên cho thấy các chỉ số đáng lo ngại. Còn quan sát bằng mắt thường, cũng như tại TP Hồ Chí Minh, không ít tòa nhà của Hà Nội có thời điểm như bị “hô biến” trong màn không khí đục.
Tình trạng ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm khói bụi nói riêng tại các đô thị nước ta, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là điều đã được cảnh báo từ rất lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiện tượng ô nhiễm không khí gia tăng tới mức có thể quan sát được bằng mắt thường và có xác nhận từ các công cụ đo lường có độ tin cậy cao, đồng xuất hiện những biểu hiện bất thường, ví như hiện tượng sương mù quang hóa năm nay kéo dài hơn bình thường tại TP Hồ Chí Minh. Vấn đề đã không dừng ở mức cảnh báo nữa, mà đã và đang đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của con người.
Theo các nhà khoa học, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng nồng độ bụi và ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan là hiện tượng tự nhiên (ví như hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thành phố luôn nhiều mây; độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết, hơi nước bám vào tạo ra lớp mù dày đặc, lâu tan…, hoặc quy luật của thời tiết trong năm), thì không thể phủ nhận những nguyên nhân chủ quan do chính các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người. Có chuyên gia cho rằng tốc độ đô thị hóa quá nhanh tại hai thành phố lớn nhất nước này cùng các hoạt động giao thông, sản xuất và xây dựng diễn ra nhộn nhịp đã thải lượng khói bụi lớn lên bầu trời, khi gặp thời tiết bất lợi, các chất ô nhiễm bay lơ lửng ở tầng thấp. Hàng triệu xe cộ thải khói (trong đó khó lòng đảm bảo mọi xe đều đạt yêu cầu về khí thải) tại mỗi thành phố, và khi tắc đường thì càng xả nhiều khói bụi ngột ngạt gây ô nhiễm không khí. Khí thải từ phương tiện giao thông chứa các chất độc hại không thể phủ nhận với sức khỏe con người. Hoạt động xây dựng, vận tải vật liệu xây dựng cũng hàng ngày, hàng giờ rắc bụi vào môi trường. Thậm chí, bếp than của mỗi hộ kinh doanh đồ ăn mỗi buổi sáng, hay thói quen đốt rơm rạ, rác… cũng góp phần khiến không khí ngày càng ô nhiễm.
Điều đáng lo ngại là nồng độ bụi trong không khí và tình trạng ô nhiễm không khí có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng con người. Theo các nhà khoa học, bụi mịn PM 2.5 khi đi vào cơ thể sẽ kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, dẫn đến những biểu hiện như ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở. Không chỉ thế, bụi mịn còn khiến người bệnh viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm các bệnh mạn tính có sẵn. Bụi mịn có kích cỡ nhỏ chỉ bằng 1/30 sợi tóc người và có khả năng đi sâu vào các phế nang của phổi, thậm chí là mạch máu, gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim. Bụi mịn thậm chí làm thay đổi cấu trúc ADN của con người. Ngoài ra, các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni, As và chất aldehyde cũng gây cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA, gây nên bệnh ung thư phổi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là “thủ phạm giấu mặt” gây ra khoảng 6,5 triệu ca tử vong sớm trên thế giới, trong đó, 91% ở các nước nghèo và đông dân ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Điều đau xót là các nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất do tình trạng ô nhiễm này là trẻ em, khi ô nhiễm không khí có quan hệ trực tiếp với bệnh viêm phổi và các bệnh về hô hấp khác. Vẫn theo thống kê, ô nhiễm không khí gây ra 10% cái chết của những trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới
Không khí ô nhiễm, nhiều khi độc hại, đang bao phủ nhiều thành phố lớn trên thế giới, và trong khu vực. Không chỉ gây ảnh hưởng đến con người, ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân gây ra cái chết ở nhiều loài sinh vật, là tác nhân quan trọng gây ra nhiều hiện tượng môi trường nghiêm trọng khác. Ô nhiễm không khí gián tiếp gây thiệt hại kinh tế cho các quốc gia khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động cũng như ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất của các ngành kinh tế, nhất là nông nghiệp, công nghiệp.
Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng. Hạt bụi đã không còn là vật thể quá “nhỏ” và “nhẹ” nữa, mà đang thể hiện “quyền lực” của mình trong cuộc sống của con người hôm nay, đồng thời “hứa hẹn” sẽ là gánh nặng cho tương lai của người dân không chỉ các thành phố lớn hay những quốc gia đang phát triển.
Chính vì vậy, không thể chậm trễ nữa, mỗi con người, mỗi tổ chức, địa phương cần nâng cao nhận thức, điều chỉnh các hoạt động nhằm giảm thiểu những hoạt động phát sinh bụi bặm cũng như các yếu tố gây ô nhiễm môi trường không khí. Bên cạnh đó, những chế tài đủ mạnh, đủ bao quát song hành với các hoạt động giám sát, thực thi nhằm bảo vệ môi trường không khí cho cộng đồng cũng là điều cần được các nhà quản lý khẩn trương và tiếp tục vận động, xây dựng và áp dụng.
Việc loại trừ bụi bặm cùng các chất độc hại nhằm bảo vệ môi trường không khí thực sự là nghĩa vụ của mỗi con người mỗi, tập thể, địa phương, bởi bầu không khí trong lành, không bị bủa vây bởi bụi bặm là của chung cả nhân loại này, nhưng cũng là “tài sản” quý báu của mỗi cá nhân, cộng đồng và đất nước.