Những ngày gần đây, người tiêu dùng Việt Nam liên tục phải đón nhận những tin không vui xung quanh sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em. Dư luận về sữa nhiễm khuẩn vẫn chưa kịp lắng, thì việc bốn doanh nghiệp sữa lớn là Mead Johnson, Vinamilk, Nestle, Friesland Campina đồng loạt tăng giá với mức tăng từ 10-20% tùy loại (trong đó có cả sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá) khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại. Câu hỏi được đặt ra: Liệu 4 doanh nghiệp nói trên có liên kết, bắt tay nhau tăng giá?
Sau những phản ánh, bức xúc của công luận và người tiêu dùng về những bất cập trong công tác quản lý giá sữa, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Tài chính kiểm tra việc 4 doanh nghiệp lớn nêu trên cùng tăng giá sữa. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các bộ Tài chính, Công Thương cần bám sát việc giải trình tăng giá của những doanh nghiệp nói trên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong báo cáo mới nhất về thị trường sữa Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa, nhưng chỉ tập trung nhập khẩu ở một số thương hiệu nhất định nên thực chất vẫn là kinh doanh độc quyền trên thị trường sữa. Ở nhiều dòng sản phẩm, sữa ngoại chiếm hơn 70% thị phần. Sữa hiện là mặt hàng nằm trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Thế nhưng trong thực tế, các cơ quan chức năng chưa quản lý được giá của sản phẩm này. Theo đại diện Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hiện vẫn chưa có Nghị định về quản lý, kinh doanh sữa. Sữa chỉ là một mặt hàng nằm trong danh mục mặt hàng bình ổn, chịu điều tiết chung, thực hiện theo quy định chung của Luật Giá, do vậy việc kiểm soát giá sữa là hết sức khó khăn.
Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa đều biện minh cho việc tăng giá là do giá nguyên liệu tăng. Một lý do nghe chừng rất hợp lý, nhưng lại thể hiện sự bất công đối với người tiêu dùng, vì thực tế nhiều năm gần đây, giá sữa chỉ có tăng mà không có giảm, bất luận giá nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác tăng hoặc giảm ra sao? Dù các doanh nghiệp lý giải việc tăng giá sữa do nguyên liệu nhập khẩu cũng như giá thu mua nguyên liệu trong nước tăng cao chăng nữa, nhưng với việc giá sữa liên tục tăng từ năm 2007 đến nay mà không giảm cho thấy, việc tăng giá mặt hàng này là không minh bạch.
Các hãng sữa có yếu tố cấu thành của nước ngoài có nhiều cách tăng giá rất tinh vi như thay đổi nhãn mác, tên gọi..., thậm chí có hãng sữa đã đổi tên sữa tới ba lần. Ngoài ra, với việc thay đổi tên sản phẩm từ sữa bột sang “sản phẩm dinh dưỡng”, thực phẩm bổ sung... một số doanh nghiệp đã lách việc kê khai và đăng ký giá khi điều chỉnh mà không bị “sờ gáy”. Do đây là mặt hàng kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường nên các hãng sữa có quyền chủ động đưa ra giá bán và chịu trách nhiệm với giá, miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20% trong vòng 15 ngày liên tục. Vì vậy để “lách” quy định này, các hãng sữa vô tư tăng giá bán, miễn là mức tăng mỗi lần thấp hơn quy định. Thêm nữa, phần lớn doanh nghiệp nhập khẩu sữa của tư nhân không chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước, nên giá sữa được doanh nghiệp kê khai chỉ là giá bán buôn, còn thực tế giá bán lẻ đã tăng nhiều.
Một “chiêu trò “phổ biến khác đang được nhiều công ty áp dụng để lý giải việc tăng giá là đầu tư lớn cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa đã “bắt tay” với nhà sản xuất để “kê” giá lên cao hơn mức bình thường, chấp nhận chịu thuế nhập khẩu cao hơn rồi cộng thêm các chi phí khác để “thổi” giá tăng cao...
Theo một số chuyên gia kinh tế, tuy sữa không phải mặt hàng do Nhà nước định giá, nhưng cần thiết phải xây dựng bộ nguyên tắc xác định chính xác cơ cấu giá thành và các yếu tố hình thành giá để có cơ sở để kiểm soát giá bán. Cũng có ý kiến, cần phải áp dụng giá trần đối với mặt hàng này...
Dù là giải pháp nào chăng nữa, cũng không thể coi nhẹ công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Việc cần làm tức thì là các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là các bộ Y tế, Công thương, Tài chính và các cấp chính quyền địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt, kết luận “đến đầu đến đũa”, đừng để người tiêu dùng tiếp tục bị “móc túi” một cách phi lý.
Yến Nhi