Bên cạnh những loại sữa nhập khẩu, các hãng sữa nội trên thị trường đang đua nhau tăng giá khiến không ít các bà mẹ và các đại lý sữa lo lắng.
Khảo sát một số đại lý, cửa hàng bán sữa trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày 28/2 cho thấy, các loại sữa đồng loạt tăng giá từ 6-10%. Cùng với các hãng sữa ngoại như Abbott Việt Nam, Mead Jonhson, nhiều hãng sữa nội cũng đã tăng giá bán. Theo đó, Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tăng giá bán khoảng 6-11% nhiều sản phẩm sữa. Cụ thể, Dialac Pedia 3+ hộp thiếc giá 175.000 đồng/hộp, Dialac Optimum 375.000 đồng/hộp (900 gram), Dialac Anpha 123 là 208.000 đồng/hộp (900 gram)…
Trước đó, ngày 25/2, một số dòng sản phẩm của Fisolac của công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam cũng đẩy giá theo. Trong đó, Fisolac Gold 1 và Fisolac Gold 2 tăng lên 255.000 đồng/hộp 400g và 540.000 đồng/hộp 900g; Fisolac Gold 3 tăng lên 235.000 đồng/hộp 400g, 486.000 đồng/hộp 900g, 732.000 đồng/hộp 1.500g…. TH True Milk cũng tăng giá hơn 10%. Điển hình như giá mỗi lốc sữa 4 hộp 180ml (có đường, không đường) tăng từ 28.000 đồng lên 31.000 đồng/lốc. Riêng sữa chocolate tăng từ 30.000 lên 31.000 đồng/lốc.
Chị Xuân Thanh, chủ cửa hàng sữa trên đường Trường Chinh cho biết, một số công ty đã có thông báo tăng giá trước Tết nhưng đến ngày 10/2/2014 mới bắt đầu áp dụng bán giá mới. “Theo kinh nghiệm kinh doanh sữa lâu năm tôi thấy rằng hầu như các hãng sữa đầu năm nào cũng tăng giá. Nếu tăng mạnh (khoảng 10%) thì tăng một lần, thường là các mặt hàng sữa nội. Còn các mặt hàng sữa ngoại tăng 2 lần/năm, mỗi lần khoảng 5%.
Khi được hỏi về nguyên nhân tăng giá sữa, chị Nguyễn Minh Hồng, chủ đại lý sữa trên đường Trương Định cho biết, các công ty giải thích do nguyên liệu trên thế giới tăng nên bắt buộc phải tăng giá sữa đến tăng người tiêu dùng. Chị Hồng chia sẻ, mỗi lần sữa vào đợt tăng giá mới, sức mua của người tiêu dùng giảm khoảng 20-30%. “ Trong thời gian đầu tăng giá, cửa hàng của tôi vẫn phải bán giá cũ để giữ khách. Khách hàng thấy tăng giá là họ tham khảo kỹ lắm, chênh lệch chút xíu là họ bỏ đi mua chỗ khác ngay”, chị Hồng nói.
Cũng theo chị Hồng, những loại sữa bán giá vốn trong thời điểm này là do sữa còn tồn đọng lại chưa bán hết, giá bán sẽ giảm từ 15.000-20.000 đồng/hộp.
Việc nhiều mặt hàng sữa và ngay cả sữa nội cũng tăng giá mạnh khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Chị Nguyễn Ngọc Anh (Giải Phóng, Hà Nội) cho rằng, mỗi lần sữa tăng từ 5-10% là quá cao, tính ra mỗi hộp cũng tăng vài chục nghìn đồng. “Trung bình bé nhà tôi uống mỗi ngày 500-600 ml sữa thì chỉ trong vòng nửa tháng hết một hộp Friso 1,5 kg giá 640.000 đồng. Một tháng hết khoảng 1,2 triệu đồng tiền sữa cộng thêm 2 triệu tiền học của con. Với tình hình kinh tế khó khăn, lương chỉ từ 3-4 triệu đồng/tháng thì làm sao nuôi nổi con?”, chị Anh lo lắng.
Nhiều bà mẹ cũng tranh thủ đi mua sữa về dự trữ vì lo rằng trong thời gian tới giá sữa lại tiếp tục tăng. Theo ghi nhận của phóng viên, tuy giá sữa nội có tăng mạnh trong thời gian vừa qua nhưng người tiêu dùng vẫn có xu hướng chọn sữa nội nhiều hơn. “Trước khi sữa có thông báo tăng giá, tranh thủ trước tết có ít tiền thưởng nên tôi mua luôn 3 thùng (36 hộp 900 gram) Dialac của Vinamilk cho cháu uống cả năm luôn. Tính ra như vậy tôi đã tiết kiệm được gần 1 triệu tiền sữa rồi đấy”- chị Lê Kim Khánh (Thịnh Liệt, Hà Nội) vui mừng cho biết.
Còn chị Trần Bích Ngọc, nhà ở chung cư Pháp Vân (Hà Nội) lại cho rằng, các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đến 1 tuổi sau đó chuyển dần cho con sang uống sữa tươi. Thực tế người dân châu Âu chủ yếu cho con uống sữa tươi trong sinh hoạt hàng ngày, trẻ con từ 1 tuổi cũng đã sử dụng sữa tươi. “Tôi đang nuôi con nhỏ, hàng ngày vẫn vắt sữa mang về cho con. Cháu uống hoàn toàn sữa mẹ đến gần 1 tuổi, sau đó tôi phải bổ sung sữa bột cho đủ lượng sữa một ngày. Còn nửa tháng nữa con tôi tròn 1 tuổi, tôi sẽ tập dần cho con uống sữa tươi.
Quan niệm sai lầm của các bà mẹ Việt là quá coi trọng sữa bột mà bỏ quên sữa tươi, trong khi sữa tươi rất tốt mà lại kinh tế. Đây là phương án mà các mẹ nên cân nhắc trong giai đoạn sữa bột liên tục tăng giá như hiện nay”, chị Ngọc chia sẻ.
Phạm Hằng