Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2/2014 của Bộ Công Thương, bên cạnh các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, sức mua của thị trường dịp Tết vừa qua thì câu chuyện giá sữa tăng cũng là vấn đề được báo chí rất quan tâm.
Có hay không các doanh nghiệp cấu kết tăng giá?
Việc tăng giá sữa của 4 doanh nghiệp sữa gần đây đã đặt ra cho dư luận câu hỏi: Có hay không việc các doanh nghiệp này cấu kết, đồng loạt tăng giá bán sản phẩm. Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, trách nhiệm chính trong việc quản lý giá sữa thuộc về Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Về phía mình, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, làm rõ.
Người tiêu dùng cân nhắc chọn sữa khi giá mặt hàng này liên tục tăng. |
Đề cập đến vấn đề này, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, với trách nhiệm của mình, Cục sẽ kiểm tra xem các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh không, có niêm yết và bán đúng theo giá niêm yết hay không. “Còn việc kê khai giá như thế nào thì chúng tôi phải phối hợp với Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính thì mới làm rõ được”, ông Lam cho biết.
Trước câu hỏi: Có hay không việc các doanh nghiệp sữa cấu kết với nhau để cùng tăng giá, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho rằng: Thị trường sữa ở Việt Nam cạnh tranh rất khốc liệt nhưng chưa có dấu hiệu phản cạnh tranh. “Liên quan đến vụ việc gần đây, chúng tôi đang phối hợp với các bộ ngành để thu thập dữ liệu. Nếu phát hiện có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chúng tôi sẽ ra quyết định điều tra sơ bộ trong 30 ngày. Nếu phát hiện có hành vi phản cạnh tranh, chúng tôi sẽ điều tra chính thức trong 180 ngày”, ông Nam khẳng định.
Còn theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để đi đến kết luận cuối cùng xem các doanh nghiệp sữa có cấu kết với nhau cùng đẩy giá sữa lên hay không thì phải làm đúng trình tự pháp lý. Cũng theo ông Hải, dự kiến trong sáng nay (4/3), Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sẽ có cuộc họp bàn về vấn đề tăng giá sữa.
Từ tháng 12/2013 đến nay, đã có tới 4 doanh nghiệp (Mead Jonhson, Nestle, Friesland Campina và Vinamilk) tăng giá sữa với mức tăng từ 5 - 10%. Ngày 28/2, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ phải kiểm tra ngay việc tăng giá sữa của các doanh nghiệp này.
Tồn kho vẫn cao
Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ gồm: Chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 17%; sản xuất thuốc lá tăng 8,6%; vải dệt thoi tăng 10,6%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 4,9%; sản xuất giày, dép tăng 18,5%... Ngược lại, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm là: Chế biến sữa và sản phẩm từ sữa giảm 2,7%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm giảm 1,5%; xi măng giảm 9,4%; sản xuất sắt, thép, gang giảm 20,8%...
Đáng chú ý, chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày 1/2/2014 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, những ngành có chỉ số tồn kho cao như: Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 24,9%; đường tăng 50,7%; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 34,8%; sợi tăng 26,3%; giày, dép tăng 36,8%; giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 45,2%; sắt, thép, gang tăng 87%...
Sức mua đã tăng
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền, trước, trong và sau Tết, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Năm nay do sức mua yếu nên hàng hóa dư thừa, không bị sốt giá. Tuy nhiên, thực tế, sức mua lại thể hiện ở tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ. Theo đó, so với cùng kỳ năm ngoái, sức mua thực đã tăng hơn 7%. “Trong thời kỳ suy giảm kinh tế thì đây là con số đáng mừng. Theo đánh giá của chúng tôi, Tết năm nay sức mua có tăng. Điều này được chứng minh qua con số tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ”, ông Quyền khẳng định.
Trước thông tin giá điện có thể sẽ tăng, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: Hiện Cục chưa nhận được đề án tăng giá điện của EVN trình lên. Việc điều chỉnh giá điện phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật và thời điểm điều chỉnh sẽ được cân nhắc bởi nhiều yếu tố. |
Cũng theo ông Quyền, sức mua tăng nhưng CPI của tháng không tăng là do cơ quan chức năng làm tốt công tác bình ổn giá. Nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ Tết nên đã kiểm soát được giá hàng hóa trong dịp này.
Nhận định về sức mua của thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt 474.086 tỷ đồng, tăng gần 12%. Đây là mức tăng khá tốt so với nhiều tháng trở lại đây. Điều này cho thấy, sức mua thực trên thị trường đang có nhiều dấu hiệu khả quan. “Các tiểu thương kỳ vọng rất nhiều vào việc bán lẻ, trong khi người dân ít tích trữ hàng hóa hơn, khiến cho mức tăng không như kỳ vọng của họ”, Thứ trưởng Hải lý giải.
Hoàng Dương