Vấn đề đáng nói là chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đường bộ tỏ ra bất lực và chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 15 điểm rào do người dân tự phá dỡ. Có nhiều lý do để người dân phá rào chắn, hoặc lấy chỗ để sang đường, nhưng chủ yếu lấy đó làm điểm kinh doanh. Cùng với dịch vụ ăn uống, tại các điểm có rào chắn bị phá lập tức biến thành bãi đỗ cho người hành nghề xe ôm, xe taxi; họ túc trực hành nghề từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Mỗi khi ô tô khách dừng đón, trả khách, lại diễn ra cảnh mời chào, chèo kéo, gây ra cảnh khá hỗn loạn, khiến nhiều xe ô tô đang lưu thông với vận tốc cao phải đột ngột giảm tốc độ, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đơn cử, dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua huyện Trấn Yên (Yên Bái) có hàng chục hộ dân dựng lều bạt ngay lề rào chắn để bán nước uống và bơm nước mui xe tải. Thậm chí một số nhà dựng thang gỗ để hành khách vượt sang đường cao tốc cho tiện lợi. Nhiều tài xế dừng đỗ xe trái phép tại đây để vào uống nước và đón trả khách. Chưa hết, tuyến này còn tồn tại tình trạng người dân đi bộ, đi xe máy và chăn thả gia súc trên đường cao tốc.
Theo Trung tâm điều hành đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đơn vị này đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm trật tự an toàn giao thông của tuyến cao tốc, như tổ chức ghi hình các xe vi phạm, sau đó gửi hình ảnh cho cơ quan chức năng địa phương có cơ sở để xử lý. Tuy nhiên, biện pháp này không mang lại hiệu quả. Một số xe vi phạm ngày hôm trước, ngày hôm sau vẫn lưu thông trên đường và tiếp tục vi phạm. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng có sự bao che, dung túng, bảo kê cho các hành động sai phạm. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh, làm rõ người bao che… thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc này là nhỡn tiền. Có dư luận, vụ tai nạn xảy ra ngày 21/12 xe khách trên tuyến cao tốc này là do lái xe tranh giành khách, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng: 3 người chết và 21 người khác bị thương…
Việc cần làm lúc này, là cần sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương nơi có đường cao tốc đi qua trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên toàn tuyến; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân địa phương nắm rõ quy định về việc không được tháo dỡ rào chắn, đường hộ lan hai bên đường, kinh doanh, buôn bán trong phạm vi hành lang an toàn giao thông của đường cao tốc. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đề xuất phương án mở các điểm trả đón khách trên tuyến đường cao tốc tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến đường này.
Khách quan nhìn nhận, không phải các cơ quan chức năng thờ ơ khi hành lang an toàn của tuyến cao tốc bị xâm hại. Đã có những cuộc ra quân tháo dỡ lều quán, mái che, các tụ điểm kinh doanh dịch vụ, đón khách… Tuy nhiên, xử lý vi phạm theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, chưa đến đầu đến đũa. Người dân chỉ tháo dỡ tạm thời lều quán, hệ thống cấp nước mui khi có đoàn kiểm tra, sau đó họ lắp đặt trở lại và tiếp tục kinh doanh. Hậu quả, không những sự việc vi phạm không giảm, mà lại có chiều hướng gia tăng. Vấn đề mang tính quyết định là cần xử lý kiên quyết, tới cùng đối với các trường hợp cắt rào chắn, phá đường hộ lan hai bên đường cao tốc theo đúng quy định của pháp luật. Có như vậy, mới hy vọng lập lại tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc này.