Lương cơ sở là mức lương dùng làm căn cứ tính lương, tính mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác cho cán bộ, công chức, viên chức. Trước đây, việc điều chỉnh tăng lương được thực hiện hàng năm, nhưng hơn 3 năm qua việc tăng lương cơ sở đã bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Lần điều chỉnh lương cơ sở gần nhất là từ 1/7/2019, tăng từ 1,39 lên 1,49 triệu đồng. Theo đó, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) sẽ nhận mức lương gần 3,5 triệu đồng/tháng. Ngay cả một công chức trình độ đại học, thâm niên làm việc 15 năm, ở nhóm A1 cũng chỉ nhận lương 5,4 triệu đồng (chưa kể phải đóng các loại phí bắt buộc như bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp - chiếm tới 10,5%, và các loại phí khác).
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ 1/7/2023, lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng, tương đương tăng 20,8%. Khi đó, công chức, viên chức trình độ đại học hưởng lương bậc 1, sẽ nhận lương 4,2 triệu đồng/tháng. Vấn đề ở đây là thời điểm áp dụng mức tăng. Việc áp dụng thời điểm tăng lương cơ sở vào giữa năm dường như đã trở thành thông lệ kể từ năm 2013, năm đầu tiên thực hiện chia tách lương tối thiểu chung, thành lương cơ sở áp dụng cho khu vực nhà nước và lương tối thiểu vùng áp dụng cho khối doanh nghiệp.
Tuy vậy, nếu tính đến thời điểm 1/7/2023, thì là tròn 4 năm, người làm công ăn lương ở khu vực nhà nước mới được tăng lương. Đó là một khoảng thời gian quá dài, với quá nhiều sức ép, gánh nặng từ tốc độ tăng của giá cả, chi phí đời sống đè nặng lên đồng lương vốn đã quá eo hẹp của người lao động.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lương cơ sở được điều chỉnh dựa trên khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng CPI và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Xét ba yếu tố hiện tại đều đủ điều kiện để tăng lương sớm. Nếu như các đợt trước bình quân tăng 7-9%, nay tăng 20,8%, thì cũng chỉ tương đương với mức tăng của ba năm cộng lại. Nếu xét ngân sách thì con số trên "cũng là phù hợp". Còn tính tới CPI thì mức tăng lương cơ sở chưa đủ bù đắp do bão giá cũng như chưa đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động ở khu vực công. Theo ông Quảng, vì vậy cần bù đắp bằng việc đẩy thời điểm tăng lương cơ sở sớm hơn, từ 1/1, chứ không đợi đến 1/7. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đang dự Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Xét về cơ sở kinh tế, trong năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ phát huy hiệu quả, góp phần đưa tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 3 tăng khá cao, ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm; GDP 9 tháng năm 2022 cũng tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách vượt 202.000 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người tăng từ 3.900 USD lên 4.075 USD/năm. Những chỉ số đáng mừng của nền kinh tế, của thu chi ngân sách là điều kiện quan trọng để có thể tăng lương sớm cho công chức, viên chức.
Một yếu tố quan trọng không kém, là đời sống người làm công ăn lương vốn đã gặp nhiều khó khăn với mức lương không đủ sống lại “đứng im” trong hơn 3 năm qua, sẽ càng khó khăn, bấp bênh hơn khi giá cả, chi phí đời sống không khi nào “chờ lương”. Ngay cả khi khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, thì vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người công chức, viên chức. Nói như Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa, thì mức sống tối thiểu không chỉ là "ngày ba bữa, năm hai bộ quần áo" mà phải đủ để người lao động tái sản xuất. Theo ông, trước mắt cần tăng lương cơ sở ngay từ 1/1/2023, để giảm bớt khó khăn cho người hưởng lương. Nếu không thì những thành tích kinh tế - xã hội của năm 2022 sẽ không có nhiều ý nghĩa với người dân.
Thực tế cho thấy, lương luôn bị rớt lại trong cuộc đua của giá cả hàng hóa và chi phí đời sống. Giá thực phẩm, hàng tiêu dùng, chi phí y tế, giáo dục tăng, đang dồn gánh nặng hơn lên vai người lao động, chi phối ngay bữa cơm hằng ngày của gia đình họ. Việc đẩy sớm thời điểm tăng lương cơ sở lên trước 6 tháng so với đề xuất của Bộ Tài chính, tuy không giải quyết được căn bản vấn đề tiền lương, nhưng là cần thiết để bù đắp tốc độ trượt giá của thị trường dưới sự eo hẹp của đồng lương bấy lâu nay. Đây cũng là món quà ý nghĩa đầu năm mới với người làm công ăn lương đang gồng mình chống chọi trong 3 năm xáo trộn và nguồn sống bị bào mòn bởi dịch bệnh.
Tăng lương chỉ là giải pháp trước mắt, nhưng cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương, một giải pháp dài hơi mà Đảng và chính phủ ta đã đề ra từ 5 năm trước nhưng phải lùi lộ trình vì chưa thể thực hiện.
Con số gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức, đa số là nhân viên trong các ngành y tế, giáo dục, kinh tế, nghỉ việc chuyển sang khu vực tư chỉ từ năm 2020 đến nửa đầu 2022 đã cho thấy phần nào thực trạng “chảy máu chất xám” khu vực công, một phần do vấn đề tiền lương. Nếu không cải thiện được thu nhập cho người hưởng lương thì việc chảy máu chất xám sẽ càng ồ ạt khi khoảng cách chênh lệch thu nhập ở hai khu vực càng lớn.
Với những người ở lại, đồng lương thấp cũng không khuyến khích động lực làm việc, và có thể là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Người lao động phải sống được bằng tiền lương, và được hưởng tương xứng với năng lực, sức lao động của họ, thì mới mong họ yên tâm lao động, cống hiến.