Từ thịt gia súc gia cầm được nuôi bằng thức ăn có chất tạo nạc, an thần, tăng trọng; con cá bị ngâm ướp hóa chất tránh ươn; rau quả bị phun thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng, ép chín. Chỉ với một lọ hóa chất nhỏ, nhập từ Trung Quốc với giá vài nghìn đồng, một số chủ vựa có thể ủ chín 70 nải chuối với màu vàng bắt mắt… Chưa bao giờ, miếng ăn lại đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như thời điểm này.
Thực phẩm nào là sạch, là hợp vệ sinh, cơ quan nào công bố thực phẩm sạch đáng tin cậy? Thịt gia súc, gia cầm được đóng dấu kiểm dịch, những mớ rau, củ quả được đóng mác “sạch” xuất hiện ở siêu thị liệu có tin cậy? Đó là những câu hỏi nhức nhối, luôn làm day dứt người tiêu dùng. Thực tế những gì đang diễn ra, việc ăn gì, uống gì vẫn nỗi lo nơm nớp với mỗi gia đình. Không lo sao được khi báo chí liên tục thông tin nay bắt chỗ này, mai phát hiện chỗ kia sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mới đây thôi, các cơ quan chức năng ở Bình Dương phát hiện một chủ vựa ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ 2,4D để thúc chín. Còn tại TP Hồ Chí Minh, khi kiểm tra 61 lô lợn giết mổ, lực lượng chức năng phát hiện có đến 12 lô dương tính với chất tạo nạc độc hại (Salbutamol)...
Những vụ việc vừa nêu khiến người tiêu dùng như ngồi trên đống lửa khi thực phẩm bẩn bủa vây, trong khi miếng ăn thức uống hàng ngày thì không ai nhịn được. Tình trạng ngâm tẩm, biến thực phẩm ôi thiu thành thực phẩm sạch, hay bơm nước vào thịt bò, thịt lợn, vào tôm, sử dụng chất tạo nạc bị cấm… diễn ra nhan nhản. Biết như vậy sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của người tiêu dùng, nhưng những tiểu thương, người sản xuất vẫn làm, bởi với họ, lợi nhuận là trên hết!
Do vậy, người tiêu dùng chỉ còn biết trông cậy vào các cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước khi đánh động đến lương tâm của người sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm.
Với nhà chức trách, họ luôn có lý do để giải thích và trấn an dư luận, nào là thiếu cơ chế, không đủ nhân sự để kiểm tra, kiểm soát. Với người sản xuất thì họ nại rằng, thời buổi cạnh tranh, không sử dụng chất cấm thì nắm chắc phần lỗ. Gia hạn một giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn VietGap phải vài chục triệu đồng, chưa kể sản xuất theo tiêu chuẩn sạch phải đầu tư cao hơn, trong khi sản phẩm làm ra bán không cao hơn sản phẩm không sạch. Đó là chưa kể, họ rất cần Nhà nước hỗ trợ về thuế, đất đai và các chính sách khác để họ bảo đảm làm ăn có lãi, sản xuất các sản phẩm sạch đáp ứng cho người tiêu dùng. Nếu những điều kiện vừa nêu không được đáp ứng, hỗ trợ, chắc chắn người sản xuất sẽ không mặn mà với thực phẩm sạch và câu chuyện trồng rau không phun thuốc để nhà ăn, còn rau phun thuốc để bán, cũng là dễ hiểu. Thế nên, để người sản xuất phải thay đổi nhận thức và hành động vì sức khỏe cộng đồng vẫn chỉ là sự kêu gọi chờ sự thức tỉnh của lương tâm.
Có câu hỏi đặt ra, các cơ quan chức năng được Nhà nước giao bảo đảm an toàn bữa ăn của người dân có thoái thác trách nhiệm? Có ý kiến cho rằng, thực trạng quả đáng lo ngại, nhưng đâu có nan giải đến mức phải để sức khỏe nhân dân, tương lai nòi giống nguy hại đến vậy. Không khó để nhận biết vùng rau nào có tồn dư hóa chất, hộ chăn nuôi nào sử dụng chất cấm... Dư luận (người dân, báo chí) biết, thì chẳng lẽ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lại không biết? Vấn đề là cơ quan chức năng cũng như các cấp chính quyền có thể hiện quyết tâm làm đến đầu đến đũa hay không mà thôi.