Họ lấy ví dụ 5 người Việt Nam mới có năng suất bằng 1 người Philippines, 15 người Việt Nam mới làm bằng 1 người Singapore... Trong khi đó, khi Việt Nam đưa người đi thi tay nghề ở nhiều nơi, nhất là ở trong khối ASEAN, ta lại không hề kém mà còn giành thứ hạng cao. Vậy nguyên nhân vì sao và ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng này.
Theo ý kiến cá nhân, năng suất và hiệu quả làm việc của ta thấp, trước hết là vì người nhiều mà việc ít; người làm việc không được đào tạo đến nơi đến chốn, nhất là về chính ngành nghề họ đang làm; thể lực không đáp ứng được yêu cầu công việc; cách quản lí và điều hành của cơ quan chủ quản kém nên không phát huy được năng suất và hiệu quả của người làm; môi trường làm việc quá chật hẹp hoặc ô nhiễm, độc hại nặng gây ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả công việc; tiền lương (hay tiền công) quá thấp nên người làm việc không đem hết tâm lực để cống hiến...
Cũng phải nói rõ vì sao việc ít mà người tuyển vào vẫn nhiều. Rõ ràng, đây không phải lỗi của người lao động, mà là lỗi của cơ quan tổ chức lao động. Cơ quan tổ chức lao động phải căn cứ vào công việc mà tuyển dụng nhân lực. Nhưng nhiều nơi người lao động lấy vào lại vượt quá yêu cầu cần thiết, với nhiều lí do: Thân quen; người muốn đi làm thì phải “chạy” mà người tuyển dụng thì muốn có tiền; người muốn đi làm lợi dụng mối quan hệ để gây sức ép với cơ quan tuyển dụng; cơ quan tuyển dụng tự đề ra các quy định không thành văn nhằm kiếm lợi, nên tuyển dụng bừa... Cơ quan này làm, cơ quan khác cũng bắt chước làm theo. Do đó, số viên chức ở hầu hết các cơ quan đều dư thừa quá mức.
Những bất hợp lý vừa nêu đã được Chính phủ và các bộ ngành chủ quản chấn chỉnh thông qua các nghị định, quy chế. Thậm chí một số cơ quan có trách nhiệm đã vào cuộc như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hay Bộ Nội vụ..., thậm chí các bộ này còn trực tiếp chỉ đạo hoặc tham dự vào nhiều cuộc thi tuyển dụng viên chức. Nhưng không hiểu sao tiêu cực vẫn xảy ra, khâu tuyển dụng vẫn có những kẽ hở để kẻ cơ hội lợi dụng, nhiều viên chức vẫn lọt được qua “các mắt lưới thủng”? Nếu các cơ quan đoàn thể ở Trung ương làm được như vậy thì các địa phương cũng học theo để làm. Nếu bên hành pháp làm được thì bên lập pháp, bên tư pháp, bên Đảng, bên đoàn thể cũng làm được. Cái vòng luẩn quẩn này cứ thế mà quay tròn, ngày một phình to, giống hệt như một cơn lốc xoáy, lúc đầu còn nhỏ, càng về sau càng to khó ngăn chặn.
Cũng về công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, nhiều người đặt câu hỏi tại sao nhiều bộ, ban, ngành Trung ương, cấp phó lại nhiều đến như vậy? Mặc dù đã có quy định bằng văn bản hẳn hoi: quy định bộ, ban, ngành, cấp phó không được quá 5 người.Vậy mà có nơi có trên 5 người, có nơi có tới 7 - 8 người, thậm chí có nơi có trên 10 cấp phó. Báo chí có đủ chứng cứ để chỉ ra chỗ nào, nhưng ngại bị mất lòng, nên không chỉ đích danh. Như vậy thì có tới 2 - 3 cấp phó chỉ đạo một việc, dẫn đến chồng chéo, người nọ cản trở người kia, làm cản trở công việc.
Vậy phải làm gì để có năng suất và hiệu quả cao? Vì thế chính cán bộ cũng sinh ra lười học, lười nghiên cứu, lười đi xuống thực tế, hễ hết ngày là “đi nhậu”, “đi karaoke”, “đi tá lả”, “đi cờ bạc” vân vân và vân vân. Đấy là chưa kể còn có nhiều cán bộ ở địa vị cao nhưng lười nghiên cứu, lười học tập, không chịu khổ công tư duy, suy nghĩ, nhất là những vấn đề có tính chất chiến lược. Gần như mọi việc họ thường giao phó hoặc dựa vào các trợ lí và thư ký. Khi thiếu vắng những người giúp việc này nhiều vị xử lý công việc lúng túng “như gà mắc tóc”. Đấy là sự thật. Nếu chúng ta muốn được dân tin, dân yêu, dân trọng... thì cần nên rèn luyện và học tập thật nhiều, theo gương Bác Hồ đã từng làm. Nói thẳng, xin chớ chạnh lòng.