Đến nay, thành phố Hà Nội đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước; trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, thành phố công nhận 518 sản phẩm (01 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu Kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).
Huyện Thường Tín là một trong những địa phương đi đầu của Hà Nội về số lượng sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, trong triển khai thực hiện OCOP, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm, huyện Thường Tín có 152 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và hàng trăm sản phẩm tiềm năng OCOP, đang xây dựng OCOP…
Tương tự, Đông Anh là huyện đầu tiên của Hà Nội tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Với bước đi, cách làm bài bản, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và nhân dân trong huyện, Đông Anh đã được thành phố đánh giá cao trong công tác tổ chức. Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Đông Anh đã có 172 sản phẩm của 42 chủ thể được đánh giá, phân hạng và nâng cấp sản phẩm OCOP, tập trung vào 3 nhóm ngành hàng thực phẩm, đồ uống và thủ công mỹ nghệ.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Hà Nội xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế nông thôn nói riêng; phát triển sản phẩm OCOP để phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, để quảng bá sản phẩm, kết nối các sản phẩm OCOP Hà Nội tổ chức các hội chợ, sự kiện không chỉ nhằm tôn vinh mà còn khuyến khích các chủ thể OCOP tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng giữ uy tín của sản phẩm OCOP khẳng định được thương hiệu và gắn "sao" trong tâm trí người tiêu dùng.
Song song với đó, các chủ thể cần không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống của địa phương, mỗi sản phẩm OCOP đều kể câu chuyện riêng của mình.
Bên cạnh đó, các chủ thể cũng cần xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì nhãn mác sản phẩm; Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Đặc biệt, các chủ thể cần ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại trên nền tảng số, như: mở shop trên các sàn thương mại điện tử; xây dựng đội ngũ cộng tác viên; livestream bán hàng; tiếp thị liên kết. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước như Úc, Châu Âu, Nhật Bản... Đó là các sản phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam; Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc…, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc, là sản phẩm duy nhất năm 2022 được đánh giá tiềm năng 5 sao cho biết, tham gia Chương trình OCOP mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp như: Các sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi thông qua các hoạt động truyền thông và sự kiện, giúp công ty tăng cường nhận diện thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được chương trình OCOP cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, chất lượng, và quy trình quản lý, giúp công ty nâng cao hiệu suất sản xuất và đáp ứng yêu cầu chất lượng. Đồng thời, mở ra cơ hội kinh doanh nhiều hơn cho doanh nghiệp. Đó là sản phẩm OCOP có thể được quảng bá và tiếp cận với các kênh phân phối chính thống và điểm bán lẻ uy tín, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường và tăng doanh số bán hàng.
Về phía các quận, huyện khi triển khai chương trình OCOP cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ trong cấp ủy, chính quyền huyện cho đến cơ sở. Ông Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, nhờ có sự vào cuộc sát của cả hệ thống nên đến nay, các chủ thể OCOP đã quan tâm hơn đến các sản phẩm của mình, chăm chút hơn và gắn với sản phẩm bằng những câu chuyện, bằng văn hóa các vùng miền để lan tỏa.
Nhằm quảng bá sản phẩm OCOP tới đông đảo người dân trong nước và quốc tế, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối như mở các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP thông qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, kênh thương mại điện tử… Những cách làm này đã và đang giúp cho sản phẩm OCOP tỏa sáng hơn và vươn xa hơn. Đến nay, thành phố đã khai trương đi vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội là một trong những nội dung, chương trình công tác của Sở và được triển khai thường xuyên, liên tục. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các quận, huyện như: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín… liên tục mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
"Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã có hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã; qua đó quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, đưa du khách đến với Thủ đô", bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, trong năm nay thành phố sẽ phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, xây dựng 5 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây- bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày hàng hóa tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm OCOP đã được kết nối với các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội và được quảng bá trên 600 website thương mại điện tử để xuất khẩu.