Nông thôn chuyển mình
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã tại các huyện ngoại thành tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Để nâng cao đời sống người dân, xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) đang dồn sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống người dân. Cuối năm 2019, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nhờ đó, diện mạo nông thôn của xã thay đổi, đường làng, ngõ xóm mở rộng khang trang, sạch đẹp, nhiều công trình phúc lợi được đầu tư, góp phần nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, nhờ dồn điền đổi thửa đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế.
Đơn cử như thôn Nga My Hạ chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng đã tích cực đóng góp kinh phí và hiến đất làm đường để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đặc biệt là cải tạo giếng làng, công trình công cộng, tạo không gian xanh, sạch, đẹp... Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, hiện nay, cùng với nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... được cấp ủy, chính quyền quan tâm.
Xã Thanh Mai tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, duy trì các nghề phụ như: Mộc, làm bún, miến, bánh đa, may mặc... góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong năm 2021, Thanh Mai phấn đấu thu nhập bình quân đạt 58 triệu đồng/người/năm; tiếp tục giảm hộ cận nghèo và không có hộ tái nghèo.
Xã Đại Đồng (Thạch Thất) được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Xã hiện có hơn 420 hộ kinh doanh; 184 hộ sản xuất đồ mộc, bún, may gia công; hơn 3.000 lao động làm trong các doanh nghiệp và đi lao động ở nước ngoài… đã góp phần nâng bình quân thu nhập của xã lên hơn 70 triệu đồng/người/năm. Bà Kiều Thị Khuyến, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng chia sẻ: Đại Đồng đang hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đầu tư thêm các thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng; xây dựng các điểm thu gom xử lý nước thải góp phần làm sạch môi trường…
Theo ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất, huyện phấn đấu năm 2021 có thêm xã Hương Ngải đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và lộ trình từ nay đến năm 2025 thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện cũng tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ưu tiên đưa vào hoạt động các dự án công nghệ cao, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm… thu hút nhiều lao động và ít gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm khang trang mà còn giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất kinh tế. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như: 690ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao; 285ha vùng sản xuất rau an toàn; 300ha vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao; 50ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh.
Sau 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thạch Thất đã có 21/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới (riêng xã Thạch Hòa phát triển theo hướng đô thị); thu nhập bình quân của huyện đạt 70 triệu đồng/người/năm, gấp 5,4 lần so với năm 2010.
Đạt được kết quả trên, huyện Thạch Thất đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo hướng ưu tiên cho cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới... Huyện tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, thường trực Văn phòng xây dựng nông thôn mới huyện Đan Phượng cho biết: Huyện Đan Phượng đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020. Năm nay, huyện triển khai xây dựng 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới nâng cao đời sống của người dân.
Đơn cử như xã Đan Phượng được lựa chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Hà Nội hiện nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 74 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng trên 80% là dịch vụ thương mại.
Ông Trần Đức Hải, Bí thư huyện ủy Đan Phượng cho biết: Hiện nay, huyện phát động chương trình thi đua xây dựng nông thôn mới sáng - xanh - sạch - đẹp ở từng thôn. Phần thưởng cho địa phương giá trị 10 triệu đồng, nhờ đó, nhiều tuyến đường trục chính các thôn được trồng hoa, vẽ tranh bích họa, quét sơn trên các tuyến đường ngõ xóm...
Theo Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm, các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng, Chương Mỹ 60 triệu đồng… Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 90,1%. Có 100% số xã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức không còn hộ nghèo, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Ứng Hòa 0,08%; Quốc Oai 0,08%...
Xây dựng nông thôn mới văn minh
Theo Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay, thành phố Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây.
Hà Nội còn 6 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021; các huyện Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Đến nay, Hà Nội có 3/2 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao và phấn đấu là huyện đầu tiên Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021.
Đối với 14 xã chưa về đích (5 xã của huyện Mỹ Đức, 9 xã của huyện Ba Vì), thành phố và các huyện đang tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn, ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới trong năm nay.
Theo ông Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức làm việc với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới để tìm cách tháo gỡ, thúc đẩy các giải pháp thực hiện. Nhờ đó, đến nay, có 2 xã Vân Hòa và xã Ba Vì (huyện Ba Vì) đã được thẩm định nông thôn mới thành phố thẩm định, đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới thành phố xem xét, trình UBND Thành phố công nhận; 7 xã (Khánh Thượng, Vạn thắng, Đồng Thái, Vật Lại, Tản Lĩnh, Cam Thượng và Cẩm Lĩnh) của huyện Ba Vì cũng đã có tờ trình đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong khi đó, đến đầu tháng 10/2021, huyện Mỹ Đức có 2 xã (Bột Xuyên, Lê Thanh) cũng đã có tờ trình đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Còn 3 xã (Đồng Tâm, An Tiến và An Phú) của huyện Mỹ Đức chưa đạt chuẩn nông thôn mới cũng đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí thời ginn tới.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, chương trình xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại của Hà Nội gắn với đô thị hóa. Trong nông nghiệp, Hà Nội đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như năm 2008, tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên địa bàn đạt 20.137 tỷ đồng thì đến năm 2020, giá trị này đã lên tới 54.492 tỷ đồng. Hà Nội đã huy động được hơn 165.355 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn. Đây là nguồn lực rất lớn để kiến thiết hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội cho cả khu vực. Đồng thời, tại nhiều địa phương, người dân tham gia tích cực chương trình nông thôn mới như chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển thương mại dịch vụ, hiến đất, góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương...
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Cùng với đó, các huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ... chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp.
Theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2025, toàn thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm...