Phát huy vai trò “lá cờ đầu”
Về xã Đan Phượng dịp này, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi dù là vùng nông thôn nhưng ở đây nhịp sống không khác với phố thị. Từ trung tâm huyện về xã đường thoáng rộng, trải nhựa phẳng phiu, sôi động với các hoạt động kinh doanh. Đi vào từng xóm, làng, nét bình yên, mang đậm văn hóa làng quê vẫn được gìn giữ với những ao, giếng làng, mái đình đặc trưng xứ Đoài cổ kính xanh sạch đẹp.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết: Trước những kết quả đạt được của xã nông thôn mới nâng cao và những yêu cầu duy trì và nâng cao hơn chất lượng xây dựng nông thôn mới, xã Đan Phượng là một trong hai xã của Hà Nội được chọn là xã nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tình thần của người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng xã thành phường.
Do đó, cơ sở hạ tầng của xã tiếp tục được đầu tư. Năm 2021, UBND xã đã khởi công 5 dự án xây dựng cơ bản về các lĩnh vực giao thông, văn hóa, điện với tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng; trong đó có 2 dự án bằng nguồn xã hội hóa tổng giá trị hơn 3,5 tỷ đồng (gồm tu bổ, tôn tạo chùa Đại Phùng và nâng cấp hệ thống lưới điện do HTX Đan Phượng đầu tư); Đồng thời, xã hưởng ứng cuộc thi thôn, phố sáng, xanh, sạch đẹp và an toàn do huyện phát động.
Ông Nguyễn Chí Tuấn, Trưởng thôn Đông Khê cho biết, thôn đã họp dân, thống nhất đưa tiêu chí xanh, sạch, đẹp vào quy ước nên người dân có ý thức cao trong giữ gìn cảnh quan: Không để thùng rác, không xếp củi, gạch ra đường; không dán quảng cáo rao vặt trên các bức bích họa…
“Nhờ vậy, các tuyến đường trục chính các thôn được trồng hoa, chiều dài khoảng 3,58 km, vẽ tranh bích họa, quét sơn trên các tuyến đường ngõ xóm. Đầu năm 2021, thôn Đoài Khê, Đông Khê đã giải nhất”, ông Nguyễn Văn Thông cho biết.
Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Đan Phượng đã xây dựng được hệ thống hạ tầng khang trang. Hiện, các trường học của cả 3 cấp: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia.
Từ năm 2013, xã Đan Phượng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; đến năm 2018, tiếp tục là một trong 3 xã đầu tiên của thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Phát huy kết quả đạt được, hiện nay, xã Đan Phượng đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu dựa theo hướng dẫn của Trung ương, thành phố và huyện Đan Phượng.
Đi đầu trong các phong trào
Theo ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, thường trực Văn phòng xây dựng nông thôn mới huyện Đan Phượng cho biết: Huyện Đan Phượng đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất làm cơ sở đánh giá huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cùng với tiêu chí này, Đan Phượng thực hiện các tiêu chí khác liên quan đến quy hoạch, xây dựng hệ thống chính trị, cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất...
Trong thời gian chờ trung ương ban hành quyết định về Bộ tiêu chí đánh giá công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để các địa phương thực hiện, Đan Phượng tiếp tục củng cố các tiêu chí theo Bộ tiêu chí của giai đoạn 2016-2020, trong đó đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng năm 2021, Đan Phượng đã phê duyệt 104 dự án mới với tổng vốn huy động là 603 tỷ đồng để xây dựng trường học các cấp; nâng cấp trụ sở làm việc ở xã Liên Trung, Đồng Tháp; mở rộng đường từ tỉnh lộ 422 vào thôn Thượng Hội (xã Tân Hội)...
Nếu như giai đoạn 2011-2016, Đan Phượng tập trung huy động các nguồn lực để hoàn thiện bước đầu về hạ tầng nông thôn thì đến giai đoạn 2016-2020, huyện chú trọng nâng cao về chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới với các phong trào “đường có hoa, nhà có số”, “đường bích họa” “cải tạo ao môi trường”… được nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố về tham quan học tập.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án đã được phê duyệt trên địa bàn nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa thể triển khai. Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, Đan Phượng sẽ tập trung chỉ đạo phát triển các khu đô thị mới theo quy hoạch, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng, nét đẹp nông thôn truyền thống. Ở các ngôi làng có bề dày lịch sử, có cảnh quan thiên nhiên, huyện định hướng phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận xét: Nhiều năm qua và cả hiện nay, xã Đan Phượng luôn dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Chính phong trào vẽ tranh tường, làm đường hoa, lắp biển số nhà, đặt tên các tuyến đường... ở xã Đan Phượng đã lan tỏa ra các xã trong huyện Đan Phượng và cả thành phố. Văn phòng cũng đề xuất công nhận Đan Phượng là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021.